Tin trong tỉnh

Nghệ An: 'Cát tặc' ngày đêm đua nhau hút máu tài nguyên?

Mặc dù các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn, Đô Lương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng nạn cát tặc nơi đây ngày đêm vẫn bị đục khoét gây thất thoát tài nguyên Quốc gia.

Sông Lam chảy qua địa bàn huyện Anh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hàng chục năm nay chưa lúc nào được yên bình trước nạn khai thác cát trái phép. Những cánh đồng ngô, lạc xanh mướt dọc con sông này dần dần biến mất trước nạn cát tặc hoành hành.

Không chỉ liều lĩnh ăn cắp tài nguyên gây sạt lở bờ đê sông, đồng ruộng của người dân, nạn cát tặc trên sông Lam còn ngang ngược, coi thường pháp luật, tự lập bến bãi, mua máy móc, tàu thuyền cả hàng chục cái về khai thác ngày đêm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống ven sông.

Nạn cát tặc hoành hoành từ nhiều năm nay, khiến nguồn tài nguyên Quốc gia bị thất thoát nghiêm trọng

Theo tìm hiểu của PV, nạn cát tặc hoành hành trên sông Lam đã diễn ra nhiều năm qua, dọc các xã Thịnh Sơn, Khai Sơn, Long Sơn, Thanh Sơn, Tào Sơn, Ngọc Sơn...

Người dân và lực lượng chức năng nơi đây đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn như lập chòi canh, cắt cử lực lượng canh gác, tuần tra... thế nhưng vẫn không thể ngăn được vấn nạn này.

Một số người dân xóm 4, xã Lĩnh Sơn bức xúc nói: “các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng lúc người dân đi ngủ và lực lượng chức năng mỏng.

Thậm chí, nhiều mỏ cát được cấp phép khi đêm xuống vẫn bị bọn cát tặc vào hút trong phạm vi, sát chân đê và bãi bồi của dân.

Nhiều bãi bồi, chân đê đã bị kéo hết xuống sông, năm nào họp HĐND xã, huyện, nhân dân cũng phản ánh nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm”.

Ngang nhiên lập bến trái phép để bán cát.

Trao đổi với ông Phạm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn được biết: “Địa phương cũng đã cắt cử lực lượng để bảo vệ, ngăn chặn nạn cát tặc này. Tuy nhiên, cũng rất khó khăn do lực lượng mỏng, không chuyên trách, kinh phí chi cho hoạt động tuần tra, bảo vệ hạn hẹp.

Trong khi đó cát tặc hoạt động rất tinh vi và thường vào ban đêm nên việc tuần tra, xử lý lại càng khó khăn hơn, chúng có “tai mắt” ở khắp nơi, nếu chính quyền có động tĩnh là chúng nhanh chóng cho thuyền ra khỏi vị trí khai thác trái phép”.

Đưa vấn đề trên trao đổi với ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn , ông Cường cho hay: “Sau khi phát hiện sự việc, ngày 19/02/2020, UBND huyện đã có Công văn số 199/UBND-TNMT, về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.

Ngày 10/03/2020, UBND huyện tiếp tục có công văn số 308/UBND-TNMT, về việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn xã Tào Sơn và một số xã lân cận.

Để giải quyết triệt để nạn cát tặc này là hết sức khó khăn do toàn huyện có tới 12 xã có sông. Huyện cũng rất quyết liệt nhưng không thể làm thay các xã trong công tác quản lý, giám sát được mà các xã phải có phương án để ngăn ngừa và xử lý nghiêm khi các đối tượng đang hoạt động trái phép”.

Một trong số điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Mặc dù, UBND huyện Đô Lương, huyện Anh Sơn đã lập biên bản, xử lý nhiều trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam nhưng vẫn không thể triệt để được, mà thậm chí ngày càng tinh vi hơn, hoạt động rầm rộ hơn nhất là vào ban đêm.

Phải chăng do chế tài của pháp luật chưa nghiêm, hay công tác quản lý của chính quyền sở tại còn buông lỏng? Người dân đang cho rằng phía sau họ có một thế lực nào đang “chống lưng” để họ ngang nhiên lộng hành, ngày đêm đua nhau đục khoét tài nguyên với khối lượng khổng lồ mà hàng chục năm qua vẫn không giải quyết triệt để.

Từ những phản ánh, bức xúc của người dân đã nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương sở tại cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn cát tặc, có để bảo vệ được tài nguyên cho đất nước.

Tác giả: NHÓM PV BTB

Nguồn tin: Báo Môi trường & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP