Tin trong tỉnh

Nghệ An: Địa phương báo cáo như thế nào về dòng nước thải đen ngòm “bức tử” môi trường?

Hầu hết các trại nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý sơ bộ. Để đánh giá mức độ ô nhiễm hiện tại địa phương đã hợp đồng với công ty môi trường lấy mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.

Liên quan đến vụ việc dòng nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc từ trại nuôi tôm “tra tấn” người dân, bức tử môi trường, “đuổi” du khách khỏi bãi biển Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.

Hiện tại địa phương đã có báo cáo về kết quả xử lý ban đầu.

Theo báo cáo của UBND xã Quỳnh Lập, hầu hết các hồ nuôi tôm đều xả nước thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý sơ bộ.

Tại thôn Tân Minh có vùng nuôi tôm của ông Lê Duy Tuyên, Trần Xuân Hợi, Trần Xuân Ủy nuôi tôm trên đất trồng rừng của doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên, diện tích vùng nuôi khoảng 4,5ha với 19 hồ, mỗi hồ có diện tích khoảng 1.600m2.

Có 3 hồ chứa nước thải sơ bộ sau đó thải ra khe Hóc, thôn Tân Minh.

Do nước thải không được xử lý nên khi thải ra môi trường mang theo thức ăn dư thừa, tảo Colifom ứ đọng tại các con khe, khi gặp thời tiết không thuận lợi, nắng nóng gây mùi hôi thối làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong vùng.

Dòng khe Chùa bị nhuộm đen, nước thải đổ trực tiếp ra biển.

UBND xã đã yêu cầu các hồ nuôi tôm có giải pháp xử lý nước thải hồ nuôi tôm; các hộ phải có hồ chứa nước thải, nước thải phải được xử lý sơ bộ bằng dung dịch Chlorine và Oxy già trước khi thải ra môi trường.

Dùng máy khơi thông dòng chảy các khe, không để nước thái ứ đọng lâu ngày gây mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân lân cận.

Hiện UBND xã đã hợp đồng với Công ty cổ phần nước và Môi trường Trường Sơn lấy mẫu nước thải từ các khe và các giếng nước bị nhiễm mặn để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước ngầm sinh hoạt.

Hiện nay đang chờ kết quả phân tích từ đơn vị lấy mẫu. Đồng thời, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai tổ chức lấy mẫu nước thải từ các hồ nuôi tôm thải ra môi trường, phân tích tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong bảo vệ môi trường đối với các hộ vi phạm.

Ở phía thượng nguồn, nơi nước thải tập kết.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng giao cho các trưởng thôn Đồng Thanh, Đồng Minh và Tân Minh thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động, xả nước thải nuôi tôm của các hồ nuôi tôm, để kịp thời báo cáo chủ tịch UBND xã xử lý các vấn đề phát sinh.

Như Pháp luật Plus đã thông tin trước đó, những năm qua người dân xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vô cùng bức xúc trước thực trạng nước thải từ trại nuôi tôm rộng 2,5 ha trên thượng nguồn dòng khe Chùa đổ ra biển “bức tử” môi trường. Dòng nước thải đen ngòm hàng ngày tra tấn người dân, “đuổi” du khách khỏi bãi tắm.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên không hiểu vì sao suốt nhiều năm ròng rã người dân “kêu” nhưng không thấu, địa phương vẫn chưa có những biện pháp xử lý dứt điểm.

Mỗi năm trại vẫn đều đặn vào vụ 2 lần, cũng là từng đó thời gian người dân phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Hiện địa phương đã hợp đồng với công ty môi trường lấy mẫu,xét nghiệm đánh giá mức độ ô nhiễm.

Cũng đã nhiều lần trại nuôi tôm nói trên bị chính quyền xử phạt, nhưng sau mỗi lần bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp vẫn bước vào những vụ tôm mới, dòng khe Chùa lại được nhuộm đen, nước thải vẫn tra tấn người dân, bức tử môi trường.

Dân đội đơn khiếu nại, thậm chí mang cả nước thải lên để “chất vấn” lãnh đạo nhưng nhiều năm liền sự việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP