Tin trong tỉnh

Nghệ An: Dự án treo, 20 năm dân sống trong chờ đợi

Giữa chốn phố thị phồn hoa như Tp Vinh, ít ai có thể ngờ, gần 70 hộ dân ở các khối Tân Yên, Tân Tiến, Quang Tiến (phường Hưng Bình) lại có gần 25 năm chung sống trong những ngôi nhà xập xệ chỉ vì một dự án treo.

Những “túp lều chị Dậu” giữa lòng thành Vinh

Đây là những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch Dự án quy hoạch tuyến đường Lý Thường Kiệt kéo dài ở Tp Vinh, tỉnh Nghệ An. Gần 25 năm qua, họ sống với những ngôi nhà cấp 4 “3 không”: “Không được xây dựng, không được sửa chữa và không được chuyển nhượng”.

Hơn 20 năm trước, năm 1994, Dự án được khởi động, triển khai cắm mốc, có lộ giới rộng 24m, điểm đầu giao cắt với đường Trường Chinh, điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ. Đây là tuyến đường nội thị do UBND thành phố Vinh quản lý, quy hoạch và được UBND tỉnh Nghệ An giao làm chủ đầu tư xây dựng nhằm giải tỏa ách tách cho tuyến đường Lê Hồng Phong và bến xe Vinh cũ.

Mấy chục năm qua, các thế hệ trong gia đình ông Bình, bà Lợi phải chui lủi trong ngôi nhà xập xệ hơn cả "túp lều chị Dậu".

Thế nhưng từ khi đưa vào triển khai xây dựng đến nay, đường Lê Hồng Phong đã không còn ách tắc và bến xe Vinh cũ đã được di dời ra khỏi khu vực trung tâm thành phố, đoạn đường Lý Thường Kiệt thuộc phường Lê Lợi đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, riêng đoạn còn lại đi qua các khối Tân Yên, Tân Tiến, Quang Tiến (phường Hưng Bình) dài gần 1km, hiện mới chỉ cắm mốc giới, vẫn đang còn nằm trên giấy.

Hậu quả của việc dự án không thể triển khai thì chỉ có 70 hộ dân trong quy hoạch phải gánh chịu. Trong lòng của đô thị loại 1 như TP Vinh, hơn 20 năm qua, hơn 500 nhân khẩu sống một cuộc sống ở dưới cả mức khổ, cũng chỉ vì quy hoạch treo.

Gia đình ông Thái Văn Thanh (khối Quang Tiến, phường Hưng Bình) có 9 nhân khẩu ở trong căn nhà tồi tàn gần 60m2.

Sống trong xăn nhà cấp 4 xiêu vẹo được dựng lên với nhiều mảnh vá trên tường, mái ngói dường như thời gian đã hóa thành bùn đất, chỉ cần vương tay nhẹ, ngói đã vụn vỡ do nhiều năm ngấm nước, ẩm mục, ông Thanh không giấu nổi được sự bức xúc: “Mảnh đất này là của bố mẹ để lại cho anh em tôi. Dự án vẽ lên làm dân chúng tôi ngóng chờ, để rồi đi chẳng nổi, ở cũng chẳng xong. Ở trong nhà mà cứ nơm nớp sợ sập, mùa mưa gió bão về, nước tràn vào nhà, rác thải ứ đọng, nhà có 9 nhân khẩu chui lủi trong căn nhà chờ sập mà chúng tôi cũng đành chịu".

“Lại chuẩn bị một mùa mưa bão, bà con chúng tôi lại nơp nớp. Bão lớn có khi sập nhà, nếu chạy không kịp, có khi lại hết đời. Dân chúng tôi cơ cực lắm”, ông Thanh lo sợ.

Còn hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Bình, bà Ngô Thị Lợi (khối Tân Yên) thì chẳng biết phải nói sao khi “dở khóc dở cười” với ngôi nhà “già tuổi”. “Nhà tôi làm từ những năm 1981, sập xuống rồi “chống” lên. Ở phố mà cứ ngỡ như mình đang ở giữa khu ổ chuột”, ông Bình thở dài.

Cùng chung cảnh ngộ như nhà ông Thanh, ông Bình, bà Lợi và hơn 60 hộ dân khác, gia đình bà Đậu Thị Hiên (khối Tân Yên, phường Hưng Bình) cũng cơ cực chẳng kém. Nếu không chứng kiến, chẳng ai có thể tương tượng được sự xuống cấp, xập xệ của một căn nhà được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước.

“Bảy mươi hộ dân nói chung cũng như mình bà đây có ý kiến riêng, yêu cầu con đường Lý Thường Kiệt được làm gấp. Không làm cũng phải nói cho dân biết. Chứ nhà cửa không làm được, không sửa sang được. Hiện tại giừ chân yếu tay mềm, tóc bạc hoa râm, cháu đến nơi rồi, chuẩn bị có chắt rồi mà cuối cùng nhà vẫn không có ở” Bà Hiên cho biết.
Bao giờ dự án hết “treo”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại phường Hưng Bình có 67 hộ dân nằm trong diện quy hoạch dự án. Hơn 20 năm qua, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu lên các cơ quan chức năng nhưng dự án treo vẫn hoàn treo. Cấp khối phố chỉ biết phản ánh kiến nghị của dân lên phường rồi phường kiến nghị lên thành phố và hầu như năm nào họ cũng kiến nghị nhưng đến nay dự án tuyến đường Lý Thường Kiệt đã “treo” được hơn 20 năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân.

Tác giả: Nguyên Đình

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP