Nghệ An tổ chức Hội nghị các Trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa. |
Sáng 22/6, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong thời gian qua, dịch bệnh đã khiến nhiều trung tâm lâm vào cảnh khó khăn, và toàn tỉnh có đến 30 đơn vị phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.
Đại diện các sở, ban, ngành liên quan tại Nghệ An tham dự Hội nghị Trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa. |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, hiện trên địa bàn có 176 trung tâm ngoại ngữ cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu người học. Nhiều trung tâm phát triển nhanh về quy mô và duy trì tốt về chất lượng đào tạo với hơn 74 nghìn học viên đang theo học và cấp chứng chỉ cho gần 2,5 nghìn học viên Trong hai năm qua, các trung tâm cũng đã phối hợp với cơ sở giáo dục phổ thông triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường cho hơn 100 nghìn học sinh.
Bên cạnh đó, các trung tâm kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa cũng đã phát triển vượt bậc với 92 trung tâm. Tập trung nhiều nhất tại thành phố Vinh với 46 trung tâm. Mô hình hoạt động được thực hiện theo nhiều nhóm như nhóm nội dung kỹ năng sống liên kết trong trường học, nhóm nội dung kỹ năng sống hoạt động tại các trung tâm. Đặc biệt, nhiều trung tâm đã làm tốt trong công tác liên kết với trường học để dạy bơi, Tiếng Anh, kỹ năng sống cho học sinh theo nhu cầu.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 250 trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống trên địa bàn. |
Những năm qua, quy mô và hoạt động của các trung tâm mở rộng và phát triển, nhưng không đồng đều. Cụ thể, các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống chủ yếu tập trung ở thành phố, vùng thuận lợi. Còn các huyện miền núi, nông thôn như: Tương Dương, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong hầu như chỉ có 1 – 2 hoặc không có trung tâm nào. Cơ sở vật chất của các trung tâm cũng còn hạn chế, phần lớn đang thuê địa điểm, phòng học có dấu hiệu xuống cấp.
Ở một số trung tâm ngoại ngữ, việc quản lý giáo viên và sinh hoạt chuyên môn chưa đúng theo quy định, đặc biệt là giáo viên nước ngoài. Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chưa được chú trọng; việc triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường ở một số đơn vị chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định quan điểm quản lý của Sở là tạo điều kiện để các trung tâm phát triển theo đúng giấy phép, chương trình đào tạo; và xử lý nghiêm nếu sai phạm. |
Với các trung tâm kỹ năng năng sống, hoạt động còn nhiều hạn chế. Gần đây nhất, Sở thành lập Đoàn đi kiểm tra 1 số trung tâm, phần lớn không lưu giữ đủ hồ sơ theo quy định (hồ sơ cấp phép hoạt động; Hồ sơ quản lý chuyên môn; Giáo viên phân công dạy không đúng nội dung hoạt động, không khớp Chương trình hoạt động đã được thẩm định).
Một số đơn vị việc xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động chưa hiệu quả. Giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp thường xuyên sau một thời gian hoạt động (các nội dung toán tư duy, bồi dưỡng kỹ năng...). Vấn đề tuyển dụng còn qua loa, giáo viên đào tạo bài bản.
Đại diện trung tâm ngoại ngữ tại huyện Yên Thành, Nghệ An góp ý kiến về việc phối hợp với trường học dạy chương trình Tiếng Anh tăng cường. |
Chưa kể, một số đơn vị quảng bá hình ảnh, hoạt động của trung tâm không đúng thực tế, hoặc nội dung chưa được phê duyệt, gây cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng uy tín các trung tâm khác.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Khoa đã trả lời ý kiến đóng góp của các trung tâm. Đồng thời khẳng định, với vai trò quản lý chuyên môn, Sở yêu cầu các trung tâm hoạt động đúng giấy phép, theo quy định pháp luật. Thực hiện đúng chương trình đào tạo được thẩm định, phê duyệt, cạnh tranh lành mạnh. Quan điểm của Sở là đồng hành và hỗ trợ, tạo điều kiện để các trung tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu người học, nhưng sẽ xử lý nghiêm những trung tâm hoạt động không đúng chức năng nhiệm vụ.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ tại Nghệ An đã hoạt động ổn định trở lại sau dịch, thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đăng ký theo học. |
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Sở sẽ thực hiện nghiêm tuc, đúng quy định việc công khai thông tin trên phần mềm quản lý để người dân và các cơ sở giáo dục biết lựa chọn và giám sát. Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn công tác tổ chức cho các trung tâm ngoại ngữ. Phấn đấu để các địa phương trên địa bàn đều có trung tâm ngoại ngữ đảm bảo về quy mô và chât lượng, đáp ứng nhu cầu người học và hỗ trợ các hoạt động cơ sở giáo dục công lập.
Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để tăng cường quản lý một cách toàn diện với các trung tâm ngoại ngữ. Sở cũng dự kiến sẽ tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp cụm để tạo cơ hội cho các giáo viên ở các trung tâm được khẳng định năng lực và chất lượng giảng dạy.
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại