Tin trong tỉnh

Nghệ An: Hàng chục hộ dân sắp bị đẩy ra đường vì 'đất vàng' bị thu hồi

21 hộ dân ở khu tập thể Bưu Điện, khối 1, phường Quang Trung, thành phố Vinh tỉnh Nghệ An đang sống trong tâm trạng bất an lo lắng vì nguy cơ phải rời khỏi mảnh đất mình gắn bó gần nửa thế kỷ để ra đi với một mức bồi thường rẻ mạt sau giải tỏa…

Cư trú gần nửa thế kỷ vẫn không được công nhận quyền sử dụng đất

Những hộ dân này phần lớn đều đã cống hiến cho ngành bưu điện từ những ngày thành phố Vinh hứng chịu mưa bom bão đạn trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Năm 1973, Bưu điện Nghệ An đã xây dựng 4 dãy nhà tập thể và phân cho các hộ sử dụng và thực hiện thu tiền khấu hao nhà bằng cách khấu trừ vào tiền lương của từng hộ (đến khoảng năm 1995, các hộ đã nộp đủ tiền khấu hao hết).

Các hộ đã sử dụng liên tục, ổn định, không tranh chấp và không vi phạm các quy định của Luật đất đai. Trên các loại hồ sơ quản lý hành chính, hộ khẩu của họ cũng thể hiện đây là khu tập thể bưu điện. Thế nhưng, hàng chục hộ dân sắp bị đẩy ra đường vì "đất vàng" bị thu hồi

Giấy xác nhận nguồn gốc đất của ông Lê Văn Thành

Ông Lê Văn Thành 81 tuổi – nguyên Giám đốc công ty điện báo điện thoại, nguyên Bí thư Đảng bộ Công ty Bưu điện Nghệ An nhớ lại: “Khu đất và dãy nhà tập thể này công ty điện báo điện thoại được quyền quản lí, sở hữu từ năm 1973.

Năm 1976 đã có nhiều cuộc họp giữa ban tổ chức cán bộ, ban công đoàn ngành và ban giám đốc đã thỏa thuận đi đến thống nhất phân nhà ở cho những cán bộ công nhân viên công tác lâu năm, những người có nhiều thành tích, gia đình đông con. Họ đã cư trú từ 1976 đến nay.

Họ là những người đầu tiên cùng công ty bắt tay vào xây dựng nhà cửa, xây dựng cơ sở. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, công việc vất vả nhưng họ vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ ngành bưu điện cho đến ngày về hưu.

Nghỉ hưu, tuổi già sức yếu, đồng lương ít ỏi, gia đình họ vẫn phải sống trong những ngôi nhà đó – những căn nhà cấp 4 cũ nát nhưng mang đầy ý nghĩa với những con người ở khu dân cư này”.

Năm 1993, có Luật đất đai Nhà nước ban hành, 21 hộ dân đã làm tròn nghĩa vụ nộp thuế đất nhà ở tổng diện tích: 1.929m2 (có hóa đơn nộp tiền lên Cục thuế Nghê An).

Từ đầu những năm 2000, các hộ dân này đã nhiều lần làm đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết, vì lí do: dự án mở rộng nhà văn hóa Việt – Đức sẽ lấy phần đất mà 21 hộ dân này đang cư trú. Dự án này đẩy cho đời sống 21 hộ dân rơi vào khủng hoảng, kêu cứu khắp nơi.

Theo phản ánh, họ không được sửa chữa những ngôi nhà cấp 4 được làm gần nửa thế kỷ trước đã rơi vào tình trạng cũ nát, ẩm thấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Hễ nhà nào tiến hành sửa chữa thì lập tức cán bộ địa phương có mặt để ngăn chặn, đập phá. Họ không được cấp sổ đỏ, không được chuyển nhượng. Khu tập thể của những cư dân có công đầu xây dựng ngành bưu điện Nghệ An trong mưa bom bão đạn giờ chẳng khác nào khu ổ chuột, điều kiện sống hết sức tồi tệ.

Nhưng nỗi khổ ấy chẳng thấm vào đâu so với việc họ buộc phải rời khỏi mảnh đất mình gắn bó gần nửa thế kỷ, ra đi mới mức đến bù rẻ mạt vì những văn bản sai Luật Đất đai của chính quyền.

Ngày 10/5/2017, UBND thành phố Vinh có Thông báo số 133/TB- UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Nhà văn hóa thiếu nhi Việt – Đức. Ngày 6/2/2018, UBND thành phố Vinh có quyết định số 974/QĐ –UBND phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án này, theo đó, 22 trường hợp ( gồm 21 hộ có nhà ở trên khu tập thể và 01 hộ cho thuê ki -ốt kinh doanh), được bồi thường tài sản trên đất và hỗ trợ di chuyển, thuê nhà ở với số tiền 3.191.542.958 đồng; các hộ không được bồi thường về đất. Đối với các hộ dân, quyết định trên chẳng khác nào đưa họ vào tình cảnh mất nhà cửa bởi số tiền điền bù bèo bọt không đủ để mua chỗ ở mới.

Vị trí khu đất vàng giữa thành phố Vinh (Ảnh chụp qua bản đồ vệ tinh)

21 hộ dân kêu cứu

Những hộ dân ở khu tập thể Bưu diện đã đồng loạt viết đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường việc áp dụng pháp luật về bồi thường cho 21 hộ gia đình cá nhân sử dụng đất tại khu tập thể Bưu Điện (cũ), phường Quang Trung thành phố Vinh.

Tuy nhiên, trong văn bản này UBND tỉnh Nghệ An chỉ dựa vào hồ sơ đất từ những năm 1970 và nhận định đó là đất chuyên dùng. Căn cứ vào văn bản của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra văn bản số953/BTNMT-TTr có nội dung: Đất của các hộ dân không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, khi Nhà nước thu hồi, không được đền bù mà chỉ hỗ trợ.

Một góc khu "đất vàng", nơi 21 hộ dân đang sinh sống

Phân tích về quyết định trên, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty luật Đại Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:

“Qua nghiên cứu, công ty Luật Đại Nam nhân thấy văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đúng pháp luật. Thực tế, từ năm 1973, diện tích đất của các hộ đã được Bưu điện Nghệ An chuyển thành đất ở, không phải đất chuyên dùng vào mục đích kinh doanh và sản xuất.

Công tác quản lý hành chính (hộ khẩu, địa chỉ) cũng đều xác định đây là khu đất của tập thể. Đối chiếu với các quy định pháp luật qua các thời kỳ, diện tích đất của các hộ đang sử dụng đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể: các hộ đều quản lý và sử dụng trước những năm 1990, theo quy định của Điều 50 Luật Đất đai 2003; Điều 101 Luật Đất đai 2013, Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Nghị định hướng dẫn Luật đất đai thì trường hợp của các hộ gia đình sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993, sử dụng ổn định không có tranh chấp thì đủ điều kiện công nhận và cấp GCNQSDĐ.

Mặt khác, theo Luật đất đai hiện hành, đất này sẽ được công nhận là đất ở, cụ thể theo quy định tại Điều 11 Luật đất đai 2013; Điều 3; Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 hướng dân Luật đất đai, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/1/2017 thì việc xác định loại đất được xác định như sau: “Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn , chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, việc UBND tỉnh Nghệ An xác định diện tích đất của 21 hộ dân là đất chuyên dùng là không chính xác. Việc thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ đã được quy định rõ trong Luật đất đai và các Nghị định của Chính phủ. Hơn nữa việc này đã có quyết định số 109/2007/QĐ –UBND ngày 21/9/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn thành phố Vinh, đã có chỉ đạo giải quyết theo hướng: “Đối với các khu nhà ở đủ điều kiện tồn tạo thì công nhận và cấp GCNQSDĐ để cho các hộ tự xây dựng; Trường hợp không đủ điều kiện hoặc có dự án phải thu hồi thì được đền bù như GCNQSDĐ”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “ UBND thành phố Vinh và UBND tỉnh Nghệ An là cơ quan quản lý nhà nước phải có đủ nhận thức và năng lực thực hiện. Việc xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc làm rất bất thường.

Hơn nữa nội dung vụ việc được UBND tỉnh Nghệ An nêu ra để hỏi ý kiến Bộ này không phản ánh đúng thực trạng diễn sử dụng đất từ những năm 1973. Bộ TN&MT khi trả lời đã không nghiên cứu, phân tích kĩ hồ sơ, dẫn tới việc trả lời không đúng pháp luật.

Việc UBND tỉnh Nghệ An và UBND thành phố Vinh căn cứ vào văn bản trả lời không đúng pháp luật mà không thực hiện theo các quy định rất rõ ràng của pháp luật dẫn tới việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đẩy họ vào tình cảnh hết sức cơ cực. Như đã phân tích ở trên, các hộ dân đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, do đó đủ điều kiện bồi thường theo quy định.

Một góc Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức hiện tại

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP