Sáng 20/9, tại huyện Đô Lương, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học "Hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện năm 2018", nhằm tổng kết, đánh giá kết quả mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT giai đoạn 2013 - 2017.
Dự hội thảo có đại diện của 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng |
Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, trong những năm gần đây, hoạt động KH&CN cấp huyện đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực; đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở cấp huyện.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 1.134 mô hình từ các nguồn ngân sách khác nhau, với tổng ngân sách hỗ trợ là 79 tỷ đồng. Trong đó, có 447 mô hình được nhân rộng với tỷ lệ nhân rộng là 42,5%.
Những huyện thực hiện nhiều mô hình như: Tương Dương 122 mô hình; Quế Phong 119 mô hình; Anh Sơn 75 mô hình; Kỳ Sơn 66 mô hình.
Riêng năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt xây dựng 25 mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN với ngân sách trên 1,9 tỷ đồng. Đến nay, đã có 22/25 mô hình được triển khai đạt 88% kế hoạch.
Một số mô hình có hiệu quả, được nhân rộng: Mô hình trồng chanh leo cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/ha/năm, đã nhân rộng được 131 ha tại huyện Tương Dương và 283 ha tại huyện Quế Phong; Mô hình trồng và nhân rộng bưởi hồng Quang Tiến ở thị xã Thái Hòa, thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha; Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa mùa kém hiệu quả sang trồng cây đậu xanh tại TX. Cửa Lò cho thu nhập 50 - 55 triệu đồng/ha...
Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện mô hình vẫn còn tồn tại như: Công tác đề xuất, đặt hàng danh mục các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa bám sát vào định hướng ưu tiên của huyện, chưa có tính tập trung và thống nhất để phục vụ phát triển cho một số đối tượng nhất định; dẫn đến việc đề xuất danh mục bị trùng lặp hoặc thiếu đề xuất thực hiện cho các đối tượng cần ưu tiên thực hiện.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ Nhật Bản do Trạm Khuyến nông huyện Đô Lương thực hiện tại xã Xuân Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Trong giai đoạn 2013 - 2017 Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cấp huyện xây dựng 11 nhãn hiệu tập thể: Nước mắm Tân An - Quỳnh Lưu; su su Quỳnh Liên - Quỳnh Lưu; đá trắng Quỳ Hợp; mật mía làng Găng - Nghĩa Đàn; cốm Đông Thuận - Nghi Lộc; bò Giàng Tương Dương; bơ Nghĩa Đàn; rượu nếp Hưng Tân - Hưng Nguyên; bột sắn dây Nam Đàn; mật ong Tây Hiếu - Thái Hòa; nhãn hiệu chứng nhận dê Tân Kỳ.
Tại hội thảo, có 15 tham luận của một số ngành và các đơn vị cấp huyện, trao đổi những vấn đề cần quan tâm trong xây dựng mô hình: Làm thế nào để xây dựng được mô hình mới, có hiệu quả; giải pháp nhân rộng mô hình; tính thống nhất về nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và xác định nhiệm vụ của cấp huyện đối với lĩnh vực KHCN; kinh nghiệm xây dựng các mô hình nhỏ theo chuỗi liên kết các sản phẩm...
Nuôi cá theo mô hình "tạo sông trong ao" tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu |
Định hướng về xây dựng mô hình áp dụng KHCN cho thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: UBND các huyện cần tập trung, kiên trì thực hiện nhiều mô hình theo chuỗi giá trị cho một số sản phẩm ưu tiên, nhằm tạo ra sản phẩm cuối cùng có giá trị và có sức cạnh tranh cao.
Các huyện cần ưu tiên và huy động nguồn lực hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu để phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Cần huy động, sử dụng nhân lực tại chỗ, đặc biệt là nhân lực các trung tâm, trạm, trại trên địa bàn để xác định, đề xuất, thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, UBND huyện cần có định hướng ưu tiên để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thực hiện các mô hình để các tổ chức nhân rộng, gắn với việc cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra.
Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cho các đại biểu tham quan một số mô hình áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện Đô Lương./.
Tác giả: Xuân Hoàng
Nguồn tin: Báo Nghệ An