Điểm khởi đầu dự án tại xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), chỉ có 1 biển báo hạn chế trọng tải cho toàn tuyến |
Lỗi tại ai?
Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành, tên đầy đủ của công trình này là: “Dự án đường giao thông vào vùng nguyên liệu Sắn, Dứa từ Sơn Thành - Mỹ Thành”. Điểm đầu tuyến xuất phát tại xã Sơn Thành, điểm cuối là xã Mỹ Thành với tổng chiều dài 9,4km. Tổng vốn đầu tư dự án được duyệt theo đơn giá quý I năm 2006 là 10,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 8,8 tỷ đồng. Dự án được đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước.
|
|
Toàn tuyến, không có cọc tiêu, không có biển báo, công trình trơ ra toàn đất và đá |
Theo nguồn tin đáng tin cậy, tổng toàn bộ nguồn vốn dự án này sau khi đã được điều chỉnh trong quá trình thi công, lên tới gần 17 tỷ đồng (gần 2 tỷ đồng/1km). Điều đáng nói là, mặc dù công trình chưa được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư là UBND huyện Yên Thành, đã cho các nhà thầu “tạm ứng” gần hết tiền.
Danh sách các nhà thầu thi công tuyến đường này được Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành cung cấp cho Tạp chí Người Xây dựng gồm 5 doanh nghiệp là: Liên danh giữa Công ty CP Xây dựng Giao thông và Thủy lợi I miền Trung, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 3 và Công ty TNHH Tân Hưng; Công ty CP Xây dựng công trình 747; Công ty TNHH Tân Hồng.
Nơi được cho là văn phòng Công ty CP Xây dựng Giao thông và Thủy lợi I miền Trung, không một bóng người... |
Ông Phan Huy Hải - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành thừa nhận: “Cho đến nay, một số hạng mục của công trình chưa được các nhà thầu hoàn thiện như: cọc tiêu, biển báo, lan can cầu”. Thời gian thi công dự án kéo dài (đến năm 1016 mới thông tuyến) do “nguồn vốn bố trí không kịp thời”; quá trình chuyển đổi giữa Ban quản lý dự án cũ (kiêm nhiệm) sang Ban quản lý dự án mới (hiện nay), dẫn đến hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. “Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành đã tích cực liên hệ mời các nhà thầu đến để giải quyết các vướng mắc, nghiệm thu công trình, quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng một số nhà thầu không phối hợp”.
Được biết, dự án này do ông Nguyễn Sỹ Hưng- nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (nay đã về hưu) làm Trưởng Ban quản lý dự án, ông Nguyễn Trọng Dũng - hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Yên Thành, làm kế toán dự án. Năm 2014, ông Hưng và ông Dũng bàn giao cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành trong tình trạng “dở dơi, dở chuột”, nhưng UBND huyện Yên Thành không quy trách nhiệm cho ai.
Đại bản doanh của Công ty TNHH Tân Hồng tại bờ Nam cầu Mưng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An |
Ai phải chịu trách nhiệm?
Khó khăn lắm phóng viên Tạp chí Người Xây dựng mới liên lạc được với giám đốc các doanh nghiệp nêu trên. Ông Hoàng Văn Nguyên- Giám đốc Công ty TNHH Tân Hưng trả lời thẳng thắn: “Tôi chỉ làm việc với Ban quản lý dự án, không làm việc với các nhà báo”. Công ty này có trụ sở tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Công ty CP Xây dựng Giao thông và Thủy lợi I miền Trung (nghe nói nay đổi tên thành Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Thăng Long), do ông Trần Ngọc Tường làm giám đốc, có địa chỉ tại Số 1, đường Dương Vân Nga, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đến nay phóng viên vẫn chưa liên lạc được. Ông G (quê ở huyện Nghi Lộc) người được ông Hưng và ông Hải cho biết là “sáng lập viên công ty” này, hiện là cán bộ của Kiểm toán Nhà nước, khi được hỏi đã đáp rất nhanh qua điện thoại: “Tôi không liên quan, tôi không biết!”
Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 3 là doanh nghiệp trước đây trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nghệ An, nay nhà nước đã thoái vốn. Do nợ ngân hàng BIDV gần 17 tỷ đồng không có khả năng thanh toán nên Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 3 buộc phải giao lại toàn bộ cơ ngơi gồm 2.200m2 đất và trụ sở làm việc tại số 1, ngõ 64 đường Lê Hoàn (TP Vinh, Nghệ An) cho chủ nợ này để rao bán.
Do nợ nần, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 3 Nghệ An (tại số 1, ngõ 64, đường Lê Hoàn (TP Vinh) đã phải trao lại toàn bộ cơ ngơi này cho Ngân hàng BIDV để phát mại |
Công ty CP Xây dựng công trình 747 có trụ sở tại số 1, ngõ 161 đường Trường Chinh, TP Vinh, Nghệ An, do ông Đặng Xuân Huy làm giám đốc. Công ty này cũng đang trong tình trạng ngừng hoạt động, toàn bộ trụ sở tại địa chỉ nêu trên đã đóng cửa từ lâu. Ông Huy hiện có 1 doanh nghiệp sản xuất, chế biến đá trắng tại KCN Nam Cấm (Nghệ An). Phóng viên liên lạc với ông Huy để xin làm việc thì nhận được câu trả lời: “Tôi đang ở Hà Nội”.
Nơi đây là Trụ sở Công ty CP Xây dựng công trình 747 tại số 1, ngõ 161 đường Trường Chinh, TP Vinh, Nghệ An. |
Ông Trần Đình Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Tân Hồng (có địa chỉ tại khối 16, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đang bị bệnh hiểm nghèo. Khi phóng viên liên hệ xin làm việc, ông Hùng trả lời: “Tôi bị ung thư, đang điều trị ở Hà Nội”. Phóng viên tìm đến địa chỉ công ty tại số nhà 49 nằm phía Nam QL46, thuộc khối 16, thị trấn Hưng Nguyên. Ngôi nhà một thời là trụ sở Công ty TNHH Tân Hồng, nay cũng đang trong tình trạng không có người ở. Hàng xóm ông Hùng cho biết: “Gia đình ông Hùng chuyển về nhà cũ ở bên tê cầu Mưng từ lâu rồi, các anh vô đó hỏi, ai cũng biết”.
Nhà cũ của ông Hùng là ngôi nhà gỗ, to và khá đẹp, nằm trong khuôn viên đất khá rộng “bên tê cầu Mưng”. Xung quanh ngôi nhà, ngổn ngang xe máy công trình nằm im lìm, hoen rỉ. Ông Hùng đang ở nhà cùng vợ và các con. Ông Hùng không trả lời các lý do công trình chưa được nghiệm thu, chỉ cho biết: “Hôm trước tôi vừa ra làm việc với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thành, các anh ra đó mà hỏi”. Trò chuyện một lúc, ông Hùng kêu đau và bảo vợ đưa đi khám…
Cây cầu này được xây dựng tiền tỷ, nhưng chưa có... lan can |
Thảm cảnh về con đường tiền tỷ hoang tàn
Phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã thị sát toàn tuyến dự án này bằng xe ô tô. Có lúc, xe tưởng không vượt qua được những hố trâu, ổ gà, sống voi. Toàn tuyến giao thông thuộc dự án đã xuống cấp nghiêm trọng, trơ ra toàn đá là đá. Tòan tuyến không có một cọc tiêu, không có 1 biển báo giao thông nào (trừ 2 biển báo hạn chế trọng tải ở 2 đầu và 2 biển báo về chiều cao an toàn lưới điện). Trên truyến có 1 cây cầu nhưng không có lan can.
Ai phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và thời gian kéo dài của dự án này? |
Lãnh đạo xã Sơn Thành và xã Mỹ Thành nói vanh vách về thời gian thi công con đường này kéo dài ra sao. Họ cũng ngạc nhiên là tại sao suốt ngần ấy năm, dự án vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán? Ông Nguyễn Văn Hóa- nguyên Bí thư xã Sơn Thành thở dài: “Tiền của nhà nước mà sử dụng dễ dãi như thế thì quá lãng phí. Xã sai một tý thì hành lên, dập xuống, huyện ném tiền tỷ ra đường thế kia thì không thấy ai bị kỷ luật. Vô lý quá!”
UBND huyện Yên Thành sẽ xử lý hậu quả ra sao khi một dự án hơn 13 năm chưa được nghiệm thu nhưng 5 nhà thầu đã thanh toán gần hết tiền? Nếu các nhà thầu đã bị phá sản, chất lượng công trình không đạt yêu cầu, tiền tỷ nhà nước đã mất, ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Tác giả: Nguyễn Công - Huy Hoàng
Nguồn tin: nguoixaydung.com.vn