Tin trong tỉnh

Nghệ An làm gì để đứng vào tốp 10 thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Năm 2022, có thể xem là một năm khá khó khăn, thế nhưng cũng được xem là một năm Nghệ An có bước tiến lớn nhất là về lĩnh vực vốn đầu tư nước ngoài. Từ một địa phương xếp hạng chưa cao, nay Nghệ An trở thành tốp 10 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những bước đi khó khăn

Câu chuyện Nghệ An trở thành top 10 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2022 trở thành một chủ đề lớn được khá nhiều tỉnh, thành khác quan tâm. Từ những bước đi “lẹt đẹt”, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, con số vốn đầu tư nước ngoài vào Nghệ An những năm gần đây tăng đều, có thời điểm tăng đột biến. Để có được top 10 về tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh Nghệ An đã khá vất vả với những bước đi, sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính...

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An Bùi Duy Đông cho biết: Về hành trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Nghệ An có thể tạm chia ra làm 2 giai đoạn, đó là thụ động chờ nhà đầu tư và chủ động xúc tiến đi tìm nhà đầu tư về với tỉnh.

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ năm 2004, Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên. Đến năm 2015 với tổng mức đầu tư 5,3 triệu USD. Đến hết năm 2015, Nghệ An đã thu hút được 75 dự án FDI, trong đó có 58 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 1.637,76 triệu USD. Ở giai đoạn này, chưa có dự án mang tính động lực phát triển, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và các ngành lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh từ các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Điểm nổi bật của giai đoạn này là thu hút được dự án Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An của liên doanh Semcorp (Singapore) và tập đoàn Becamex IDC (Việt Nam) - dự án quan trọng, làm tiền đề kéo theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp đầu tư vào Nghệ An.

Một góc khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An).

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 2020, có được những nền tảng của công tác thu hút đầu tư giai đoạn thứ nhất cộng thêm với những thành tựu của hai năm nỗ lực không mệt mỏi, công tác thu hút đầu tư đã có những thành tựu vượt bậc với tốc độ tăng trưởng về thu hút đầu tư ngoạn mục. Trong vòng hơn 2 năm qua, hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được thu hút vào tỉnh. Chỉ tính riêng đầu năm 2022 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư FDI vào tỉnh đã đạt 935 triệu USD, trong đó có 4 tên tuổi lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ đã tham gia vào Nghệ An là Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT. Những tên tuổi lớn tham gia đầu tư vào tỉnh là bảo chứng cho môi trường đầu tư FDI tại Nghệ An. Đây là tiền đề cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh thời gian tới.

“Trong quá khứ, các định kiến về khó khăn khi đầu tư vào Nghệ An là khá phổ biến do tỉnh chưa ký kết được nhiều dự án lớn trên địa bàn. Định kiến này khiến cho việc thu hút các nhà đầu tư, ký kết thêm các dự án gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn vừa qua, công tác quy hoạch của một số địa phương trong tỉnh đang ở giai đoạn triển khai, nhiều địa phương chưa hoàn tất, nên sự sẵn sàng đưa đất đai vào sử dụng đang gặp khó khăn tại một số địa phương. Nghệ An tuy được Trung ương hỗ trợ về chính sách thông qua các Nghị quyết, nhưng việc triển khai thực tế vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên chưa phát huy được các lợi thế về mặt chính sách, và vì vậy chưa có lợi thế so sánh so với các tỉnh thành khác. Tại một số dự án, một số lĩnh vực vẫn còn tỉnh trạng "Tỉnh mở Sở thắt", khiến cho tỉnh thần phục vụ và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đôi chỗ chưa xuyên suốt, tạo ra rào cản đối với nhà đầu tư" - ông Đông nhấn mạnh.

“Lót ổ đón Đại Bàng”!

Câu hỏi được khá nhiều người quan tâm, đó là vì sao Nghệ An được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và trở thành điểm đến, dừng chân của nhiều nhà đầu tư lớn.

Lý giải điều này Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương Mại, Du lịch Nghệ An cho rằng, các yếu tố tiềm năng trước đây đang tích lũy về lượng, chưa đạt được sự tới hạn để chuyển biến về chất, nhưng nay là thời điểm mà sự chuyển biến về lượng tạo ra sự thay đổi về chất. Các nỗ lực chuẩn bị của tỉnh đã đạt được thành tựu như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp.

Đặc biệt, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ người lao động trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đang trên đà gặt hái những kết quả. Nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng đã phát huy vai trò để tạo ra sự sẵn sàng cho các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến.

Nghệ An đang có tỷ lệ người lao động lớn, nhu cầu công việc cấp thiết, đây cũng có thể xem là một tiềm năng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, tiềm năng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp còn nhiều. Với tiềm năng về đất đai và lao động như vậy, lại đang ở thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, dư địa để phát triển công nghiệp tại Nghệ An là rất lớn, đủ hấp dẫn để các nhóm nhà đầu tư nước ngoài chọn là điểm đến.

Dự án cao tốc Bắc Nam khi đưa vào khai thác sẽ còn là điều kiện cực kỳ lớn, hết sức thuận lợi cho nền kinh tế chung của Nghệ An cũng như cái riêng trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh công tác thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh Nghệ An có chủ trương 5 sẵn sàng, gồm: Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ đã tạo ra chuyển biến rõ rệt trong toàn bộ hệ thống chính trị. Việc hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040, xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, mở rộng khu kinh tế Đông Nam lên khoảng 80.000 ha… Nghệ An đang khẳng định được sự sẵn sàng trong thu hút FDI.

Ngoài ra, việc ưu tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã mang lại những hiệu quả kép, bên cạnh hiệu quả của việc đầu tư vốn FDI vào tỉnh của những nhà đầu tư này, thì họ còn kêu gọi được thêm các nhà đầu tư FDI khác. Các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… đã đóng vai trò lớn trong việc đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì cần hội tụ được hai điều kiện, trong đó điều kiện cần để nhà đầu tư đến là sự sẵn sàng về đất đai và lao động, còn điều kiện đủ để nhà đầu tư lựa chọn là hiệu quả cao và rủi ro thấp. Về điều kiện cần, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ.

Điển hình như việc sẵn sàng về đất đai và sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam; Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; Cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao, cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế. Sẵn sàng về nguồn nhân lực, với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động. Trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo.

Về điều kiện đủ, rủi ro về thời gian thực hiện và rủi ro do vướng mắc không lường trước là các rủi ro chính của các nhà đầu tư. Để giảm rủi ro về thời gian, Nghệ An đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh. Tập trung rà soát để tăng số lượng các thủ tục hành chính có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chính quyền. Quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.

Để đảm bảo về mặt quỹ đất đón đầu các dự án quy mô lớn, chính quyền tỉnh Nghệ An đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP