Giáo dục

Nghệ An: Những chia sẻ xoay quanh đề thi học sinh giỏi tỉnh môn ngữ văn lớp 9

Theo đánh giá của giáo viên, câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9, môn ngữ văn, năm học 2021-2022 tại Nghệ An tạo cho học sinh nhiều "đất" để bày tỏ quan điểm.

Đề thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm 2022 môn ngữ văn có hai câu hỏi nghị luận xã hội (8 điểm) và nghị luận văn học (12 điểm). Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội được đánh giá cao về mức độ yêu cầu thí sinh tư duy hướng đến dạy học phát triển năng lực.

Câu nghị luận xã hội nêu: "Một con kiến muốn leo lên bức tường bằng sứ, nhưng mỗi lần leo đều thất bại rơi xuống đất. Tuy nhiên, nó vẫn cứ cố leo lên trên. Một người sau khi nhìn thấy cảnh đó liền nói: "Thật là một con kiến vĩ đại, thất bại rồi mà vẫn không chịu thỏa hiệp, tiếp tục hướng đến mục tiêu phía trước". Một người khác nhìn thấy lại nói: "Thật là một con kiến đáng thương, thật là hồ đồ, giả dụ nó thay đổi phương thức khác, có lẽ nó đã nhanh chóng đạt đến mục đích rồi".

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 Nghệ An.

Thí sinh Phạm Thanh Huyền, lớp 9C, Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Nghi Ân, thành phố Vinh - thí sinh đoạt giải Nhất tỉnh môn văn cho rằng, đề thi năm nay vừa sức, khá mới và sáng tạo.

"Thông thường, đề thi học sinh giỏi các năm trước chỉ tập trung vào một số khía cạnh, quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, năm nay đề thi mở ra cho chúng em rất nhiều suy nghĩ và bài học mới hơn về cách đối phó những khó khăn trong cuộc sống...", em Phạm Thanh Huyền chia sẻ.

Cô Trần Thị Bích Thuận, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cho biết, câu nghị luận xã hội mang tính phản biện, tạo cho học sinh cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo, khơi gợi được cảm xúc văn chương. Với đề thi này, học sinh không thể học tủ, học "vẹt" theo bài mẫu. Các em phải có tư duy độc lập, phản biện.

Đồng quan điểm, theo cô Đặng Mai Sương, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh, đây là dạng đề theo hướng phát triển năng lực học sinh. Điều đó thể hiện ở việc để học sinh lựa chọn nội dung bàn luận và phạm vi tư liệu, dẫn chứng trong đời sống, văn học và nhiều lĩnh vực khác để đưa vào bài viết của mình.

Đề thi yêu cầu học sinh có khả năng phân tích, bàn luận để tìm ra vấn đề có giá trị nhất, gắn với đời sống thực tiễn xã hội. Vì vậy, học sinh cần có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng.

Thầy Uông Đình Dương, giáo viên Trường THCS Nghi Ân chia sẻ: "Tôi đặc biệt tâm đắc câu hỏi nghị luận xã hội của đề thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm nay. Đây là câu hỏi tương đối mở, tạo điều kiện để các em có "đất" bày tỏ quan điểm, tư tưởng của mình trước vấn đề liên quan trong cuộc sống, mở ra cho học sinh nhiều bài học quý giá, định hướng cho bản thân cách ứng xử khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống…".

Cô Văn Thị Nga, giáo viên Trường THCS Anh Sơn, huyện Anh Sơn chia sẻ: "Với tôi, đây là câu hỏi phát triển tư duy phản biện, có tính giáo dục cao và gợi mở cho học sinh nhiều điều".

Cũng theo cô Nga, câu nghị luận xã hội hướng đến việc phát triển tư duy phản biện cho học sinh. Câu chuyện đặt ra vấn đề về sự lựa chọn thái độ sống trước một tình huống khó khăn của cuộc đời. Hai ý kiến tưởng như đối lập nhưng lại đưa đến cho người đọc một nhận thức sâu sắc, phương châm sống đúng đắn.

Học sinh có thể đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để nhận định rằng, ý kiến của người thứ nhất ca ngợi con kiến là ca ngợi ý chí, tinh thần kiên trì, không bỏ cuộc dù phải đối diện với khó khăn, thử thách. Trên con đường đi đến thành công, con người có thể gặp nhiều khó khăn, thử thách nếu vội vàng bỏ cuộc thì sẽ không thể đến đích.

UBND huyện Đô Lương, Nghệ An gặp mặt các học sinh giỏi của huyện (Ảnh: BNA).

"Việc không bỏ cuộc giúp họ tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề để đi đến thành công. Không chấp nhận từ bỏ giúp họ hình thành một tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và ngày một trưởng thành sau mỗi lần thử thách. Kiên trì đi theo con đường bản thân lựa chọn, cuối cùng con người cũng sẽ đạt được mục đích, tuy nhiên nhiều khi phải trả giá quá đắt", cô Nga phân tích.

Về ý kiến của người thứ hai thương hại, phê phán con kiến là phê phán sự cố chấp, bảo thủ, thiếu linh hoạt trong cuộc sống. Biết chấp nhận sự thay đổi là phẩm chất của người biết "tùy cơ ứng biến", biết tuân thủ quy luật cuộc sống. Linh hoạt thay đổi, lựa chọn con đường mới sẽ có nhiều cơ hội thành công, tuy nhiên chưa thử sức, cố gắng đã sớm từ bỏ, tìm con đường khác thì khó đạt được thành công.

"Bài làm đòi hỏi học sinh nhiều kỹ năng, thao tác như giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình", cô Văn Thị Nga chia sẻ.

Còn cô Lê Thị Thu Hương, Trường THCS Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu bày tỏ: "Hướng ra đề thi như thế này có tác dụng tốt với học sinh, làm giảm tình trạng học "vẹt", học sáo mòn trong các nhà trường".

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP