Khu tái định cư ở xã Quỳnh Thắng 10 năm nay thành nơi chăn thả trâu bò |
Dân không chịu tái định cư…
Năm 2010, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đầu tư xây dựng hai khu TĐC, tại 2 xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang, để di dời bà con sống trong vùng bị ngập lụt ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang đến định cư. Khu TĐC ở xã Quỳnh Thắng rộng hơn 5 ha, rất khang trang; đường sá rộng rãi, điện sáng như sao, nhà văn hoá cộng đồng rộng rãi…
Mục tiêu của dự án đặt ra là, sẽ bố trí cho 60 hộ dân ở xã Quỳnh Thắng thuộc diện bị ngập lụt ven hồ Vực Mấu, mỗi hộ dân được bố trí 60m2 đất ở. Tổng mức đầu tư cho khu tái định cư này là hơn 10 tỷ đồng (thời giá năm 2012). Thế nhưng đã 10 năm nay, khu TĐC khang trang ấy... lại đang trở thành bãi chăn thả trâu, bò và là nơi tập kết, phơi gỗ của một chủ xưởng mộc. Còn nhà văn hoá cộng đồng thì 10 năm nay vẫn cứ… im ỉm khoá.
Khu TĐC ở xã Quỳnh Trang (nay thuộc thị xã Hoàng Mai), cũng không có gì khá hơn. Hơn 4 ha đất xây dựng khu TĐC, với quy mô 38 hộ dân ở vùng thường bị ngập lụt do hồ Vực Mấu xả lũ được bố trí về đây sinh sống....cũng đang bỏ hoang, cỏ giả um tùm.
Theo ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, thì mỗi hộ dân được cấp từ 300 - 400 m2 đất và được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để di dời, nhưng vẫn không một ai chịu đến ở.
Khu tái định cư ở xã Quỳnh Trang cùng chung số phận |
…Vì đất quá ít, không phù hợp
Sống ven hồ Vực Mấu từ hàng chục năm nay, thuộc diện phải dời TĐC, nhưng ông Hồ Khắc Kiên ở xóm 5, xã Quỳnh Thắng vẫn không muốn đến khu ở mới.
Ông Kiên cho hay, vào mùa mưa lũ, hồ tích nước, nước dâng lên khiến vườn và nhà của nhiều hộ dân trong xóm này bị ngập nước. Có những năm, nước ngập vườn cả tháng trời khiến cây cối bị chết. Năm 2009, khi huyện có chủ trương xây khu TĐC, nhiều gia đình ở đây đã làm đơn đăng ký di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ được bố trí 600 m2 đất là quá ít so với vườn cũ những 2000 m2, lại xa vùng lòng hồ đến 3km nên ông Kiên không muốn di dời.
Ông nói: “Chúng tôi sống bằng nghề đánh cá, trồng trọt và chăn nuôi, đến nơi ở mới vừa ít đất, vừa xa hồ nước, không biết làm ăn sao đây”.
Giải pháp của ông Kiên và một số hộ gia đình khác để trụ lại trong vùng ngập lụt, là mua đất để nâng vườn, nâng nền nhà cao lên. Với giải pháp đó, bà con lại càng không muốn đến khu TĐC nữa.
Nhà văn hoá cộng đồng ở khu tái định cư xã Quỳnh Thắng vẫn…im ỉm khoá |
Trong lúc đó, ông Hoàng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, cho biết: Sau 10 năm xây dựng, khu TĐC vẫn bỏ không, khiến xã cũng “nóng ruột” vì thấy lãng phí. UBND xã đã kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu, cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc đấu giá đất ở tại khu TĐC này, nhưng không được chấp nhận vì trái quy định.
"Đất của những hộ thuộc diện TĐC rất rộng, từ 2.000-3.000m2, nên họ không muốn bỏ để di dời đến khu TĐC. Vì thế mà những hộ dân làm đơn đăng ký TĐC trước đây, nay đã rút đơn không di dời nữa, do đó khu TĐC chưa biết sử dụng vào mục đích gì”, ông Công thông tin.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cũng thừa nhận, nguyên nhân bà con không muốn di dời đến khu TĐC là do, diện tích mỗi hộ được bố trí ở khu TĐC nhỏ (300-400m2), chi phí hỗ trợ di dời ít và sau khi di dời, đất ở cũ của họ sẽ bị thu hồi.
“Chúng tôi đã kiến nghị với cấp trên cần có phương án xử lí khu TĐC khi bà con không chịu di dời, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định nào được ban hành”, ông Lê Đăng Thăng cho biết.
Tác giả: Việt Thắng – Khánh An
Nguồn tin: Dân tộc & Phát triển