Một khoảnh rừng tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị phá để trồng keo năm 2019 |
Nhìn từ những “điểm nóng”
Nhiều năm qua, huyện Quỳ Châu đã trở thành “điểm nóng” về tình trạng chặt phá rừng để lấy đất trồng cây nguyên liệu (keo). Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có khoảng 130 vụ phá rừng lớn nhỏ với khoảng 50ha. Ngoài xử phạt hành chính, đã có 13 vụ việc bị khởi tố trước pháp luật. Theo ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, diện tích rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên nghèo. Diện tích rừng bị chặt phá là loại rừng đã được giao khoán bảo vệ theo Nghị định 63.
Tương tự, huyện Quỳ Hợp cũng là địa phương “nóng” về tình trạng phá rừng trồng cây keo nguyên liệu. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, Quỳ Hợp đã có 45 vụ phá rừng lớn nhỏ với diện tích hơn 20ha. Đây là diện tích rừng đã được giao khoán cho người dân và một phần do xã quản lý. Cuộc sống người dân nhận khoán bảo vệ rừng rất khó khăn, gần như không có thu nhập gì từ rừng nên họ chuyển mục đích sang trồng keo có lợi hơn.
Nghiêm trọng hơn, tại huyện Quỳnh Lưu, những năm qua người dân lại đua nhau phá rừng phòng hộ đầu nguồn vực Mấu để trồng dứa. Theo thông tin chúng tôi có được, từ trước những năm 2010, diện tích rừng phòng hộ này đã được giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ. Nhưng từ năm 2018, một số hộ dân tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) đã chặt phá gần 10ha rừng phòng hộ để trồng dứa.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Âu, Phó Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho hay: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 532 vụ phá rừng với diện tích bị thiệt hại gần 194ha; trong đó đã có 34 vụ được khởi tố. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo đã giao cho người dân hoặc các tổ chức quản lý.
Khu vực rừng phòng hộ ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu bị chặt phá năm 2018 |
Người dân chưa sống được từ rừng giao khoán
Việc người dân không thể sống được từ việc giao khoán bảo vệ rừng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm qua. Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ “về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020” quy định rõ: Đối tượng nhận khoán là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng khu dân cư sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm. Quy định là vậy, nhưng tiền hỗ trợ không có, nên các đối tượng nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng chưa sống được từ rừng.
Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu nêu thực tế đáng lo: Kinh tế từ trồng keo nguyên liệu là 7 - 8 triệu đồng/ha/năm, trong khi những hộ nhận bảo vệ rừng thì không được gì, ngoài một ít lâm sản phụ (nứa, lùng…) được khai thác. Điều này dẫn tới việc khó chấm dứt nạn phá rừng để trồng keo.
Một mảnh rừng phòng hộ tại khu vực hồ Vực Mấu (Tân Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị phá và đã được chuyển sang trồng dứa năm 2018 |
Còn theo ông Nguyễn Hải Âu, không phải chế tài xử phạt không nghiêm. Đối với cá nhân vi phạm thì mức xử phạt hành chính là 3 - 200 triệu đồng, còn tập thể thì gấp đôi. Nhưng người dân không có thu nhập từ rừng được giao khoán, nên họ phá rừng để trồng cây nguyên liệu.
Rõ ràng, muốn chấm dứt nạn phá rừng thì giải pháp tối ưu nhất là phải làm sao để người dân nhận khoán bảo vệ rừng sống được từ rừng. Muốn vậy, cần phải sớm điều chỉnh, bổ sung, thay đổi chính sách cho phù hợp đối với các hộ nhận khoán. Nghĩa là cần phải nghiên cứu để có thể cho người dân sản xuất (trồng cây nguyên liệu, cây địa phương, cây dược liệu…) trên những khu rừng sản xuất.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Dân tộc