Kinh tế

Nghệ An phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 2,87 tỷ USD

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế đề ra trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch XK năm 2023, theo đó, tỉnh Nghệ An xác định phấn đấu đưa kim ngạch XK đạt 2,87 tỷ USD.

Kim ngạch XK đứng thứ 28/63 tỉnh, thành

Theo báo cáo từ Sở Công Thương Nghệ An, năm 2022, tổng kim ngạch XK qua địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 2,54 tỷ USD, tăng 4,56% so với năm 2021, vượt 8,03% kế hoạch năm, trong đó, kim ngạch XK hàng hóa đạt 2,19 tỷ USD, tăng 3,6% và vượt 9,44% kế hoạch. Với kết quả này, kim ngạch XK hàng hóa qua địa bàn tỉnh Nghệ An được xếp đứng thứ 28/63 tỉnh, thành trên cả nước và đứng thứ 2 của khu vực Bắc Trung Bộ.

Để góp phần đắc lực cho kết quả của năm 2022, báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An cũng chỉ rõ, nhiều mặt hàng có kim ngạch XK tăng trưởng khá so với năm 2021, điển hình như: dệt may, linh kiện điện thoại, dăm gỗ, bột đá vôi trắng siêu mịn, đá ốp lát, viên nén gỗ… Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hóa XK đã qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả.

Ảnh minh họa: Thu Huyền

Điều đáng nói, năm 2022, tỉnh Nghệ An đã thu hút trên 360 DN (bao gồm 200 DN nội tỉnh và 160 DN ngoại tỉnh) tham gia hoạt động XK hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các DN đã thực hiện kết nối XK hàng hóa đến hơn 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) được các DN đẩy mạnh XK hàng hóa và mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Ngoài ra, kim ngạch XK hàng hóa sang một số thị trường tầm trung có mức tăng cưởng mạnh phải kể đến Lào đạt 54,1 triệu USD, tăng 42,9%; Ấn Độ đạt 43,4 triệu USD, tăng 43%; Singapore đạt 39 triệu USD, tăng 34,6%...

Sự phấn đấu đưa kim ngạch XK qua địa bàn bứt phá, lấy lại đà phục hồi của DN, đã giúp cho công tác thu NSNN từ hoạt động XNK năm 2022 của Nghệ An đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 3,8% so với dự toán trình HĐND tỉnh Nghệ An điều chỉnh.

Tích cực gỡ khó, đẩy mạnh xuất khẩu

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, mặc dù hoạt động XK hàng hóa qua địa bàn năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh nhưng chưa thực sự vững chắc, hiệu quả chưa cao. Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chỉ rõ, hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng hóa còn chiếm tỷ lệ thấp; mặt hàng XK tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ bé, còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh. Trong khi đó, hầu hết các DN XNK trên địa bàn là DN nhỏ và vừa, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính; chưa có chiến lược kinh doanh XK dài hạn, năng lực cạnh tranh thấp…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thương, Giám đốc doanh nghiệp Hoa Mỹ cho rằng, thời gian gần đây, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, trong nước các DN cạnh tranh gay gắt gây mất cân bằng thị trường và lợi nhuận càng ngày càng thấp. Chi phí điện, nước, nhiên liệu cao kèm theo áp lực thanh toán ngay làm cho DN vốn đã khó khăn do dịch bệnh nay lại càng thêm khó khăn hơn trong việc đưa ra kế hoạch, chiến lược kinh doanh, sản xuất, XK dài hạn.

Một số DN cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân cụ thể như: Giá cước vận tải ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên, vật liệu cũng không ngừng tăng do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine; nhiều DN phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của lạm phát và tỷ giá đồng tiền nước NK thấp (Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, Lào,...). Trong đó, nhiều DN thường xuyên XK hàng hóa sang thị trường Lào ngao ngán vì sự mất giá liên tục của đồng Kíp. Không dừng lại ở đó, nhiều DN nhỏ và vừa “kêu trời” chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Phát biểu Hội nghị triển khai kế hoạch XK năm 2023 (diễn ra ngày 24/2), ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Do đó, ông Lê Hồng Vinh cho rằng, để đạt mục tiêu đã đề ra, năm 2023, các sở, ban, ngành, cộng đồng DN cần căn cứ định hướng phát triển thị trường XNK của cả nước đến năm 2030 và định hướng phát triển thị trường tại Đề án Phát triển XK của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 nhằm phấn đấu đưa kim ngạch XK hàng hóa toàn tỉnh đạt 2,87 tỷ USD, trong đó, XK hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD.

Cũng theo ông Lê Hồng Vinh, Nghệ An đang có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Do đó, tỉnh Nghệ An đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các DN liên quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn hàng XK; rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chế biến nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An, trong đó, chú trọng kêu gọi, mời chào các DN FDI tham gia vào quy trình ản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra Sở Công Thương Nghệ An, Sở NN&PTNT Nghệ An, Cục Hải quan Nghệ An, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An... cần tăng cường hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất, gia tăng hàm lượng chế biến sâu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của tỉnh nhà. Đặc biệt, cần thường xuyên quan tâm hoạt động xúc tiến XK; cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK...

Tác giả: Nụ Bùi

Nguồn tin: haiquanonline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP