Tin trong tỉnh

Nghệ An: Tàu kiểm ngư phải “nằm bờ” vì không có nhân lực vận hành

Trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quyết liệt chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các giải pháp, quyết tâm gỡ thẻ vàng thủy sản về chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC), thì hai tàu kiểm ngư duy nhất của tỉnh Nghệ An đang phải “nằm bờ” gần một tháng nay.

Hai tàu kiểm ngư đang phải nằm bờ gần một tháng nay.

“Nằm bờ” lúc “nước sôi, lửa bỏng”

Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ phát triển nguồn thủy sản trên các vùng biển, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An (Chi cục Kiểm ngư và Thủy sản tỉnh Nghệ An) được bố trí hai tàu Kiểm ngư (KN 688 NA và VN 93967 KN), kèm theo hai xuồng cao tốc.

Ông Trần Như Long, Phó Chi cục trưởng Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản, thì hai tàu Kiểm ngư của Chi cục phải được bố trí 26 thuyền viên (trong đó tàu VN 93967 KN cần 9 thuyền viên, tàu KN-688-NA cần 17 thuyền viên).

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, đơn vị đã hợp đồng với 10 lao động thực hiện các công việc theo các chức danh (thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy, thủy thủ) để vận hành các tàu kiểm ngư này. Các lao động này đã được đơn vị hợp đồng từ nhiều năm trước và được chi trả tiền công từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nhà nước cấp hằng năm.

Năm 2024, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được Ủy ban nhân dân tỉnh giao 44 biên chế (gồm 28 Công chức, 10 viên chức và 6 lao động hợp đồng phục vụ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP); còn 10 lao động làm việc trên các tàu kiểm ngư nói trên không nằm trong số lượng biên chế được giao.

Để bảo đảm an toàn trong thời gian không hoạt động trên biển, ngày 27/3/2024, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã có báo cáo, xin ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều động các tàu kiểm ngư về neo đậu tại âu tàu ở sông Lam và không tiếp tục ký hợp đồng với 10 lao động trên hai tàu kiểm ngư kể từ ngày 1/4/2024 (thời hạn của các hợp đồng trước đến 31/3/2024). Trong các cuộc họp diễn ra trước đó, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng đã báo cáo vấn đề liên quan đến ký hợp đồng đối với 10 lao động vận hành tàu kiểm ngư.

Anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1978), thuyền trưởng tàu kiểm ngư VN 93967 KN bùi ngùi, chia sẻ: “Sau 18 năm gắn bó với công việc kiểm ngư, quen với sông, với biển rồi nên giờ phải ngừng việc khiến tôi và các lao động khác cảm thấy rất hụt hẫng”.

Vùng biển Nghệ An có chiều dài hơn 82km, số lượng tàu cá lớn, tàu cá địa phương khác cũng thường xuyên khai thác ở vùng biển này. Việc tàu kiểm ngư không ra biển thực thi nhiệm vụ, phải neo đậu ở trong bờ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn của Chi cục, nhất là khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều yêu cầu phải thực hiện đối với các địa phương để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU.

Ông Trần Châu Thành, Trưởng phòng Kiểm ngư Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết: Để trở thành một lao động trên tàu kiểm ngư, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi người đó phải có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, am hiểu luồng lạch, sóng gió, xử lý tình huống và cả gan dạ, dũng cảm. Do đó, để tuyển dụng được một đội hình mới đáp ứng được các nhiệm vụ hiện tại là vô cùng khó khăn. Chưa kể, đây đều là lao động chính trong gia đình, bị chấm dứt hợp đồng lao động, cuộc sống gia đình họ cũng sẽ khó khăn. Dù đang bị tạm ngừng công việc, nhưng hiện nay các lao động vẫn phân công nhau trực bảo vệ tàu.

Tổ công tác của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An trong một lần thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển địa phương.

Cần sớm có giải pháp

Ngày 21/4, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: 10 lao động trên hai tàu kiểm ngư nói trên không có trong biên chế được giao là bởi không nằm trong các công việc thực hiện hợp đồng theo quy định của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2022 về Hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị đang cùng Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan phối hợp tìm giải pháp phù hợp nhưng rất nan giải vì vướng quy định được nêu trong Nghị định 111.

Trước đó, tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra về chống khai thác IUU ngày 28/3/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp bố trí ngay lực lượng lao động phục vụ hoạt động của các tàu kiểm ngư, bảo đảm công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.

Vùng biển Nghệ An có chiều dài hơn 82km, số lượng tàu hoạt động lớn nên công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của tàu kiểm ngư có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về khai thác hải sản trên biển.

Thẻ vàng của EC đã ảnh hưởng lớn ngành thủy sản Việt Nam, xét cả trực tiếp, lẫn gián tiếp. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Chính vì vậy, công tác gỡ thẻ vàng thủy sản là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trong nhiều cuộc họp, quyết định, văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm.

Ở Nghệ An, ngày 21/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu đơn vị này chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư thành lập các Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, đặc biệt từ nay đến tháng 4/2024, nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Tuy nhiên, nhìn thực tế đang diễn ra, liệu rằng công tác chống khai thác IUU của tỉnh Nghệ An có thật sự hiệu quả và những mục tiêu trong chống khai thác IUU của địa phương có đạt được hay không. Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ nặng nề này sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào khi những nhân lực đã gắn bó lâu nay lại phải chấm dứt hợp đồng lao động do không nằm trong định mức biên chế được giao?

Ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg Ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Kế hoạch là khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.

Tác giả: TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP