Tin trong tỉnh

Nghệ An trước áp lực hạ tầng đô thị TP. Vinh: Kỳ vọng gỡ nút thắt từ dự án

Ngập úng, tắc đường, ô nhiễm kênh mương, hồ điều hòa… là những áp lực mà quá trình đô thị hóa đang gây ra đối với TP. Vinh.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Vinh, tỉnh Nghệ An” với tổng mức đầu tư 4.502 tỷ đồng. Dự án đang được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt cho những mối bất cập nêu trên trong tương lai gần.

Áp lực hạ tầng đô thị

Vào mùa mưa, hình ảnh quen thuộc mà người dân TP. Vinh thường phải đối mặt là hiện tượng ngập úng tại các tuyến đường: Đại lộ Lê-nin, Minh Khai, Đặng Thái Thân, Quang Trung, Hồng Bàng, Nguyễn Văn Cừ, Phan Bội Châu, Lê Ninh… khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đơn cử tháng 10/2019, sau trận mưa lớn, khu vực đình Tây chợ Vinh, nước ngập đến nóc ki-ốt, toàn bộ hàng hóa của hàng trăm tiểu thương ngập chìm trong nước, thiệt hại rất nặng nề. Tháng 10/2022, kịch bản ngập nặng do mưa lớn lại tái diễn ở khu vực này. Rất may, các tiểu thương đã có kinh nghiệm từ đợt lụt trước nên giảm thiểu được phần nào thiệt hại.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng ở TP. Vinh, trong đó có lý do một bộ phận người dân ý thức trách nhiệm kém trong việc bảo vệ các công trình thoát nước: Nhiều bậc lên - xuống vỉa hè do người dân tự xây đắp làm cản trở nước mưa thoát xuống mương; một số người dân có hành vi xả rác bừa bãi ra đường làm tắc đường ống tiêu thoát nước khiến cho việc thoát nước trở nên khó khăn hơn; vật liệu xây dựng vương vãi trong quá trình vận chuyển cũng là một trong các nguyên nhân gây tràn lấp hố ga, miệng cống, làm giảm tiết diện tải nước, tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy khiến tình trạng ngập úng trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực. Nhiều hồ, ao bị san lấp, bê tông hóa, nhựa hóa để xây dựng nhà, công xưởng, đường sá. Do vậy, khi mưa xuống, khả năng tiêu thoát chậm, hầu như toàn bộ nước đều tập trung thành dòng chảy, đường hóa thành sông...

Ngoài ra, cũng cần thẳng thắn thừa nhận sự hạn chế về công tác quản lý đô thị. Trong khi hệ thống công trình tiêu nước còn thiếu và yếu, chi phí cho xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cần có nguồn vốn lớn và còn hạn hẹp thì công tác quản lý lại bộc lộ nhiều bất cập.

Ngoài hiện tượng ngập úng, vấn đề ách tắc giao thông tại các cung đường chính cũng là một “u nhọt” đã hình thành từ khoảng 5 năm trở lại đây đối với TP. Vinh. Mặt khác, khu chung cư, khu đô thị “mọc” lên nhiều nhưng quy hoạch hạ tầng, nhất là hạ tầng về nơi dừng, đỗ xe không đảm bảo càng khiến cho nhiều nơi trên địa bàn TP. Vinh trở nên bí bách.

Kỳ vọng từ dự án nghìn tỷ

Đô thị loại 1 TP. Vinh đang đối mặt với áp lực lớn về hạ tầng đô thị. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-UBND phê duyệt dự án "Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Vinh, tỉnh Nghệ An" được giao cho UBND TP. Vinh làm chủ đầu tư. Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rủi ro ngập úng tại khu vực đô thị chính và tăng cường khả năng quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của TP. Vinh; Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với BĐKH của thành phố, góp phần phát triển đô thị bền vững thích ứng BĐKH, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho TP. Vinh và tỉnh Nghệ An.

Dự án sẽ thực hiện các hoạt động cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Cải thiện điều kiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải tạo và nâng cấp sông Vinh và hệ thống thu gom, xử lý nước thải;

Xây dựng một số tuyến đường thúc đẩy kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu vực đang phát triển và cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tạo động lực để thành phố phát triển. Tăng cường không gian xanh cho thành phố thông qua việc xây dựng các hạ tầng không gian công cộng, cải tạo sông Vinh, xây dựng hồ Hưng Hòa 2 cùng hạ tầng công viên. Nâng cao năng lực quản lý đô thị thích ứng với BĐKH, kiểm soát ngập lụt tích hợp và chủ động cho TP. Vinh.

Dự án gồm 4 hợp phần với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 208ha. Hợp phần 1: Đầu tư tích hợp thoát nước, vệ sinh môi trường và kết nối; Hợp phần 2: Mở rộng dung tích chứa để giảm lụt ngập đô thị; Hợp phần 3: Nâng cấp và cải tạo sông Vinh; Hợp phần 4: Phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng.

Về nguồn vốn đầu tư dự án, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 129,6 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng); vốn đối ứng 64,9 triệu USD (tương đương 1.502 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư dự án là 4.502 tỷ đồng, tương đương 194,5 triệu USD. UBND TP. Vinh chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách TP. Vinh (theo Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 15/4/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội TP. Vinh giai đoạn 2021 - 2025). Tiến độ thực hiện dự án là 6 năm kể từ thời điểm Dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP