Góp mặt tại chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ông Bình chia sẻ bản thân cảm thấy rất vui khi được gặp gỡ nhiều tấm gương điển hình ở khắp mọi miền đất nước.
“Ai cũng có sự phấn đấu, nỗ lực riêng của cá nhân nhưng điểm chung là đều dựa trên những điều, tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy”.
Sầm Văn Bình (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) được Thủ tướng tặng bằng khen. Ảnh: Thanh Hùng. |
Tốt nghiệp Trường ĐH Hàng Hải năm 1987, nhưng không tìm kiếm được một công việc phù hợp ông Bình trở về quê ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang.
Ngày đó, sinh sống tại bản làng, tiếp xúc với nhiều văn tự cổ của người Thái nhưng ông không biết đọc, biết viết chữ của chính dân tộc mình, cộng thêm chứng kiến thực tế tình trạng chữ Thái hầu như bị lãng quên và không ai để ý. Những điều đó đã thôi thúc ông Bình bắt đầu sưu tầm, tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc mình.
“Từ những năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên, mặc dầu nó là nét văn hoá số một của người Thái, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái, nhưng chưa có ai khai thác.
Khi đó, trong bản, người dân vẫn có những tài liệu về những chữ cái này nhưng không ai đọc được. Từ đó chúng tôi mới cùng nhau xây dựng nên câu lạc bộ nghiên cứu, xây dựng nên những bộ tài liệu và hoàn thành cuốn từ điển gần đây được xuất bản”.
Dần dần ông Bình trở thành “linh hồn” của câu lạc bộ này.
“Càng tìm hiểu càng thấy có nhiều nét đẹp, nhiều giá trị. Trong thời kỳ hội nhập, nếu không tìm hiểu và gìn giữ thì những nét đẹp ấy có thể biến mất hoặc biến tướng sang những dạng khác ảnh hưởng về giá trị văn hóa, tâm linh”.
|
Dày công sưu tầm những văn bản chữ Thái cổ, hơn 20 năm qua, từ những chữ cái đầu tiên, đến nay đã có những cuốn từ điển đến 14.000 từ.
“Một trong những thành công của tôi là đã soạn gần như hoàn chỉnh bộ sách hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập trong vòng 4 năm. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp, giống như những cái bậc đi lên rẫy trên núi, học viên cứ từng bước, kiên trì nhẫn nại mà leo lên. Tập 2 với 20 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được”, ông Bình kể.
Song song và tiếp theo 2 cuốn sách được coi như giáo trình này, ông Bình còn hoàn chỉnh được 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trên cả nước, như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham” (viết chung với Thái Tâm).
Đặc biệt ông Bình còn nghiên cứu thành công 5 font chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An và được sử dụng cho chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của Báo Nghệ An từ nhiều năm nay.
Ngoài mở lớp học tại các nơi, ông Bình còn mở lớp tại nhà cho khoảng 10 chị em tham gia học tập vào cuối tuần. Sau 10 năm, ông đã mở được hơn 10 lớp học trong huyện với hơn 400 người tham gia học tập.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen cho ông Sầm Văn Bình. |
Sự cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Qua 5 khoá học do ông giảng dạy, với hình thức sư phạm khá độc đáo, đến nay huyện Quỳ Hợp đã có trên 100 người biết đọc thông, viết thạo chữ Thái hệ Lai Tay, trong đó đến 75% là các em học sinh người dân tộc Thái với độ tuổi từ 15 đến 18. Hiện nay khoá học thứ 6 đang tiếp tục với 3 lớp học và trên 90 học viên có tuổi đời ít nhất là 13 và nhiều nhất là 45.
Qua học tập, nhiều người dân nhận thấy chữ Thái rất hay, hiểu được nhiều điều để phát huy những cái hay cái đẹp và bỏ đi những điều lạc hậu. Họ đi học để biết được chữ của chính dân tộc mình sau rồi bày lại cho con cháu.
“Nhiều người sau khi biết đọc và thông qua tài liệu biết tổ chức lễ nghi, cúng đơm trong bản, làng. Trước đây có thể họ biết tiếng nhưng không biết được những điểm về thể thức, văn hóa. Đấy là điều khiến tôi rất vui”, ông Bình nói.
“Việc lưu giữ và truyền dạy chữ Thái là mục tiêu chung trong bảo tồn và phát triển văn hóa của đất nước. Nhưng ở tầm bản mường và gia đình nó là một công việc của mỗi người trong đó có tôi, để hiểu những phong tục tập quán cái nào tốt đẹp thì lưu giữ lại”.
Ảnh: Thanh Hùng |
Từ năm 2011 đến 2017, ông Bình đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn Nghệ An”. Đây cũng là đề tài duy nhất trong tổng số 43 công trình được trao giải đặc biệt trong cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ Nghệ An năm 2017. Ông cũng được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016.
Nói về dự định trong tương lai, ông Bình cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các công việc mà mình đang làm, đặc biệt sẽ tuyên truyền nhiều hơn đến lớp trẻ. “Tôi sẽ chú trọng đến văn nghệ, văn học dân gian của người Thái. Tôi hy vọng những công việc đó sẽ góp phần làm cho văn hóa dân tộc Thái phát triển sinh động hơn, được nhiều người biết đến và không bị mai một đi, qua đó góp phần cho sự phát triển của cộng đồng cũng như quê hương đất nước”, ông Bình nói.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet