Thế giới

Người Việt xa quê đón Tết "online", đoàn tụ gia đình "qua màn hình nhỏ"

Với những người con xa xứ, Tết là lúc nỗi nhớ về Việt Nam, về nơi họ đã cùng gia đình đón những cái Tết ấm áp thuở thơ ấu dâng tràn trong cảm xúc.

Nấu món Tết mà khóe mắt bỗng cay

Trò chuyện với khi đã đêm muộn, chị Xuân Kiều Kado không giấu được cảm xúc khi nhắc về Tết quê nhà. Chị Kiều cũng theo chồng rời Việt Nam sang định cư tại Nhật Bản. Chị vẫn nhớ như in cái Tết đầu tiên trên đất khách, đó là nỗi buồn "không thể tả nổi".

"Mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 thế hệ, có ông bà, ba mẹ và các cô các chú cả nhà cũng hơn 10 người. Mỗi năm vào dịp Tết mình thường ở nhà cùng cô chú dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đó là một thói quen, một cảm giác ấm áp như in sâu vào trong máu, trong tim mình.

Chị Kiều và ông xã người Nhật mặc áo dài đón Tết Nguyên đán.

Rồi năm ấy, sau khi lấy chồng, mình rời xa quê hương, gia đình để đi đến đất nước mặt trời mọc. Nhật Bản đã mở ra cho mình một con đường mới, một cuộc sống mới hoàn toàn tự lập.

Thời ấy thông tin liên lạc còn lạc hậu lắm nên chỉ nghe được giọng nói thôi, không nhìn thấy mặt như bây giờ. Đến gần Tết là trong lòng nôn nao nhớ quê hương nhớ gia đình da diết. Cứ nghe bên kia điện thoại thấy tiếng mẹ bắt máy là bên này mình cay khóe mắt", chị Kiều nghẹn ngào.

Vì bên Nhật không có Tết nên cứ đến ngày mồng 1, sáng sớm thức dậy trước khi đi làm chị Kiều lại tranh thủ gọi điện thoại về nhà chúc tết ông bà ba mẹ

Từ khi lập gia đình và định cư ở Nhật rồi có con. Đến nay mỗi khi Tết Nguyên đán chị Kiều đem không khí Tết Nguyên đán cổ truyền về với gia đình nhỏ. Khi có điều kiện chồng chị cũng xin nghỉ phép để cùng chị bay về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.

Vài năm trở lại đây, những dịp về Việt Nam đón Tết Nguyên đán thưa dần, gia đình nhỏ của chị Kiều cũng có thêm các thành viên mới. Các bé lớn lên phải đi đến trường học mà không được nghỉ vào dịp Tết nên cả gia đình chị chọn đón Tết Việt Nam tại Nhật.

Mâm ngũ quả ngày Tết của chị Kiều ở Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Đón Tết Nguyên đán ở Nhật chị Kiều vẫn tự tay làm đủ các món bánh chưng, bánh tét, bánh ú. Cùng chồng và các con dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, mỗi người một việc, vừa làm chị vừa kể chuyện ngày xưa lúc còn ở Việt Nam chị đón Tết thế nào cho các con nghe.

Tất cả đều được chị Kiều chuẩn bị tươm tất, có mâm ngũ quả có hoa, bánh kẹo, bánh chưng, bánh tét, áo dài cũng được mình chuẩn bị cho cả nhà: "Chồng mình là một anh chàng Nhật rất yêu thích văn hóa Việt Nam, đặc biệt thích mặc áo dài, thích các món ăn Việt. Chồng mình kêu mua áo dài để anh mặc vào những dịp đặc biệt. Đêm giao thừa các con được thức muộn hơn ngày thường một chút để đón giây phút thiêng liêng của năm mới rồi cả nhà cùng nhau chúc mừng năm mới".

Chị Kiều nói thêm, hai năm trôi qua thế giới chìm trong dịch bệnh, cuộc sống của mọi người gặp ít nhiều khó khăn, trong những lúc như thế mới thấy trân quý cuộc sống này, trân quý tất cả những gì mình có được nhất là sức khỏe.

Cũng trong những khó khăn vì dịch bệnh, đã thúc đẩy chị tìm tòi học hỏi và tạo ra những món ăn đơn giản dễ làm trong dịp Tết. "Ăn Tết vui vẻ, an lành để có sức chống dịch. Mình cầu mong mọi điều an lành cho thế giới, cho đồng bào Việt trong một năm mới cận kề!", chị Xuân Kiều Kado nói.

Bánh tét do chị Kiều tự tay làm trong ngày Tết (Ảnh: NVCC).

Cùng gia đình nhỏ giữ gìn Tết cổ truyền nơi đất khách

Cũng giống như chị Kiều, chị Vương Thị Bích Chi (sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi) kết hôn cùng chồng là người Pháp gốc Hoa. Sau khi cưới, chị theo chồng về sống tại đảo Tahiti (thuộc quần đảo Polynesia, Pháp).

Dù xa quê đã lâu, sống ở một đất nước có nền văn hóa khác biệt nhưng mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, chị vẫn tự tay làm vài món đơn giản như nem, chả giò, bánh tét, gà luộc,… Đó là những món ăn quen thuộc gắn liền với tuổi thơ mà chị và gia đình thường chuẩn bị cúng tất niên. Vừa nấu ăn, chị lại bồi hồi cảm xúc, khóe mắt cay cay nhớ về không khí Tết đầm ấm nơi quê nhà.

Mâm cỗ nhiều món ăn truyền thống đậm chất Việt ở trời Tây giúp chị Chi vơi bớt nỗi nhớ gia đình, nhớ không khí chào đón năm mới ở quê nhà luôn thường trực trong lòng (Ảnh: NVCC).

"Nhà chồng mình gốc Trung Hoa nên ba mẹ chồng cũng chọn một ngày để đãi tiệc mọi người trong dịp Tết Nguyên đán với mâm cỗ làm đủ 9 món theo kiểu Hoa. Gia đình chồng mình cũng rất thích ăn món truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết và trò chuyện về năm mới. Buổi sum họp khá ấm cúng nhưng đơn giản, bình dị như lối sống bao năm của gia đình. Cả nhà vẫn giữ phong tục lì xì đầu năm, cầu chúc may mắn", chị Chi kể.

Chị Chi sum họp cùng gia đình chồng trong đêm Giao thừa và tranh thủ gọi điện về Việt Nam chúc mừng năm mới bố mẹ, người thân (Ảnh: NVCC).

Đêm giao thừa, chị Chi dành chút thời gian để gọi điện về Việt Nam chúc mẹ và gia đình. Nói tới Tết, cảm giác của nàng dâu Việt lại ùa dâng với nỗi nhớ quê hương, gia đình luôn thường trực trong lòng. "Dù xa quê bao lâu nhưng mình vẫn không thể nào quên được hương vị Tết ở Việt Nam", chị Chi nghẹn ngào.

Ở đâu có gia đình, ở đó có Tết

Từ Cộng hòa Séc xa xôi, cô nàng Tô Khánh Chi (25 tuổi) vẫn cùng gia đình gìn giữ những nét văn hóa đẹp của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán.

"Mình may mắn hơn nhiều người là dù xa quê nhưng vẫn được đón tết cùng bố mẹ, anh trai. Gia đình mình vẫn giữ gìn nét văn hóa cổ truyền của dân tộc ta, dù bận do công việc nhưng hàng năm 27-28 Tết mình vẫn phụ bố cắt lá gói bánh chưng, bố mẹ chuẩn bị nguyên liệu.

Cả gia đình chị Khánh Chi quây quần gói bánh chưng đón Tết tại Cộng hòa Séc (Ảnh: NVCC).

Nhiều khi Tết không vào những ngày cuối tuần mọi người vẫn đi làm nhưng ai ai cũng cố gắng về sớm nhất để cùng nhau chuẩn bị bữa cơm Tất niên. Dù bận dù xa quê nhưng không khi ấm áp vui vẻ cũng lấp đầy khoảng trống nhớ nhà phần nào", Khánh Chi nói.

Những ngày cận Tết gia đình Khánh Chi đều ghé thăm chợ của người Việt Nam để sắm đồ. Cành mai cành đào, những tờ lịch chúc Tết được mọi người treo rất đẹp đẽ, không khí vô cùng.

Những ngày Tết, Chi và gia đình thường xuyên gọi về cho người thân, phương tiện liên lạc thuận tiện nên gần như không còn khoảng cách xa xôi. Mọi người ở Việt Nam lại quay video hoặc chụp ảnh gửi sang cho Chi, những tấm hình ngày tết sum vầy, cây quất cây đào được trang trí thật lộng lẫy. Đêm giao thừa cả gia đình quây quần xem Táo Quân.

Gia đình Khánh Chi quây quần trong thời khắc đón chào năm mới (Ảnh: NVCC).

"Dù có đi bất cứ nơi đâu mình vẫn luôn luôn nhắc nhở bản thân về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngày để gắn bó, kết nối, tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vài năm nay tình hình dịch bệnh nơi đâu cũng khá phức tạp vì thế gia đình mình sẽ đón tết với nhau mà không tụ tập hội họp cùng bạn bè để đảm bảo cho mình và cộng đồng. Năm nay sẽ là cái Tết đặc biệt thứ 2 khi chúng ta vừa đón tết vừa chống dịch.

Tuy khó khăn nhưng chúng ta giữ tinh thần lạc quan, thực hiện đúng quy tắc 5K thì chúng ta sẽ chiến thắng. Chúc mọi người đón tết bình an và thật nhiều sức khỏe!", Khánh Chi cười nói.

Tác giả: Ngọc Linh - Thảo Trinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP