Kinh tế

Nhiều gói thầu của sở Giáo dục Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Giang… tiết kiệm thấp khi chọn nhà thầu Hải Hà

Chủ đầu tư là các sở GD&ĐT: Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái… đã phê duyệt cho công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hải Hà trúng gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước sát mức 0 đồng.

Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hải Hà từng hoạt động với mã số thuế 0101058976, địa chỉ trụ sở: số 79, phố Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người đại diện pháp luật là Phạm Anh Vỹ, chức vụ Giám đốc.

Công ty này đã tham gia 97 gói thầu, trong đó trúng 65 gói, tổng giá trị trúng thầu: 719.629.997.701 đồng.

Hải Hà có 100% gói thầu thực hiện tại các đơn vị giáo dục thuộc nhiều địa phương trên cả nước, có những gói giá trị lớn hàng chục tỷ đồng.

Thông tin về nhà thầu Hải Hà trên cổng thông tin Quốc gia về mua sắm công. Ảnh chụp màn hình.

Thống kê cho thấy, trong số 33 bên mời thầu (đa phần kiêm cả chủ đầu tư) mà Hải Hà tham dự thầu, thì tại sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã trúng 10/11 gói (khoảng 134 tỷ đồng), 1 gói chưa có kết quả; tại sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng trúng 7/8 gói (khoảng 69 tỷ đồng), 1 gói chưa có kết quả; tại sở GD&ĐT Nghệ An trúng 6/7 gói (khoảng 63 tỷ đồng), 1 gói chưa có kết quả; trúng 6/6 gói tại sở GD&ĐT Hà Giang; ở sở GD&ĐT Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái đều trúng 4/4 gói có tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Thế nhưng qua nghiên cứu giá trúng thầu so với giá dự toán, nhiều gói do Hải Hà thực hiện trong cả vai trò liên danh và độc lập có tỉ lệ tiết kiệm ở mức rất thấp, sát với con số 0%, có gói thậm chí không tiết kiệm được đồng nào.

Các gói thầu đa phần là sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục hoặc có cả nguồn vốn trích từ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho thấy, mục đích của đấu thầu là nhằm góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp công trình… một cách hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.

Trong đó, tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu được hiểu là một thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị trong công tác đấu thầu. Tỉ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, PV nghiên cứu ngẫu nhiên nhiều gói thầu mà Hải Hà tham gia lại có tỉ lệ tiết kiệm thấp, thậm chí 0 đồng. Nếu như nói theo cách mà các chuyên gia phân tích thì mục tiêu tiết kiệm ngân sách thông qua đấu thầu để nâng cao hiệu quả của đồng vốn sẽ khó đảm bảo nếu như tỉ lệ tiết kiệm ở mức quá thấp.

Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) nhận định: “Tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra quá trình lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này, để làm rõ nguyên nhân nào mà các gói thầu có dấu hiệu kém hiệu quả kinh tế”.

Nghiên cứu ngẫu nhiên 21 gói thầu công ty Hải Hà từng trúng, số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước là rất ít, nhiều gói 0 đồng.

Trở lại những gói thầu mà công ty Hải Hà từng thực hiện ở các đơn vị sở GD&ĐT như đã nói ở trên, nhiều gói tiết kiệm không đáng là bao cho chủ đầu tư. Ví dụ tại sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, 2 gói mua sắm phòng bộ môn tin học 41,6 và 30,9 tỷ đồng đều chỉ tiết kiệm được hơn 170 triệu đồng, đạt tỉ lệ 0,41 và 0,56%;

Hai gói thầu trang bị phòng ngoại ngữ giá trị 26,4 và 15,1 tỷ đồng tiết kiệm được 82,8 và 39,1 triệu đồng, tỉ lệ đạt 0,31 và 0,26%...

Hai gói mua sắm thiết bị phòng ngoại ngữ mà nhà thầu Hải Hà liên danh Hồng Hà từng trúng tại sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An có giá 27,7 và 16,9 tỷ đồng đều có tỉ lệ tiết kiệm 0,28% so với giá dự toán.

Tại sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, công ty này cũng từng thực hiện nhiều gói tiết kiệm rất thấp cho chủ đầu tư, trong đó có gói thầu 68,7 tỷ đồng, tiết kiệm 0,34%, tức khoảng hơn 200 triệu đồng.

Ở các sở GD&ĐT Hải Phòng, Yên Bái và Phú Thọ, công ty Hải Hà đều thực hiện những gói thầu giá trị tiền tỷ và hàng chục tỷ, nhưng tiết kiệm chưa đến vài chục triệu đồng, kéo theo tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, có gói là 0,08% (gói 13 tỷ đồng ở Yên Bái tiết kiệm được 11 triệu đồng)…

Đáng chú ý, nhà thầu Hải Hà còn trúng nhiều gói thầu mà con số tiết kiệm bằng 0 đồng, tỉ lệ 0%, trong đó tại sở GD&ĐT Hà Giang có 3 gói, 2 gói ở sở GD&ĐT Nghệ An và Vĩnh Phúc.

Được biết, ngày 17/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thế Bình (49 tuổi, thường trú TP Hà Giang), Giám đốc sở GD&ĐT để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Nguyễn Thế Bình trong quá trình tổ chức mua sắm, cấp trang thiết bị cho các trường học năm 2019 và 2020 đã có nhiều hành vi sai phạm. Trong đó có hành vi cấp trang thiết bị không đúng nhu cầu của các trường, cấp cho các trường không thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình, mua sắm và cấp trang thiết bị không theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Hành vi sai phạm của ông Bình đã gây thiệt hại và lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Tác giả: Nhật Hạ

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP