Tin trong tỉnh

Nhiều khuất tất trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại Quỳ Châu

Rừng sản xuất nghèo kiệt được giao cho người dân cải tạo, trồng mới để phát triển kinh tế, nhưng sau đó lại rơi vào tay một nhóm người khác. Không những vậy, một hộ dân còn bị “đuổi” ra khỏi rừng để người khác chiếm đất, dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp.

Dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp

Về bản Na Xén, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) hỏi chuyện đất rừng của nhà bà Hà Thị Hoa thì nhiều người rành rẽ. Bà con cho hay, bà Hoa bị một nhóm người “đuổi” ra khỏi rừng rồi chiếm hơn 1 ha đất mà gia đình khai hoang hơn 11 năm nay. Khi phóng viên đến, gia đình bà Hoa đang chuẩn bị dựng nhà cho người con trai.

Kể chuyện, người con trai của bà Hoa là anh Hà Văn Phúc không giấu được nước mắt, cho biết: “Đợt gần Tết có 2 người đàn ông tìm đến gặp. Một người xưng tên là Hiếu, cán bộ địa chính xã Châu Hạnh, và nói đất này là của xã và xã thu hồi để chia cho người khác, chỉ hỗ trợ được cho gia đình tôi phần hoa màu với 20 triệu đồng. Tôi xin hỗ trợ 60 triệu đồng vì gia đình tôi khai hoang lâu rồi, nhưng anh Hiếu nói là không được!”.

Anh Hà Văn Phúc rơm rớm nước mắt khi kể về quá trình khai hoang đất của gia đình nhưng sau đó bị thu hồi và nhận được 20 triệu đồng. Ảnh: Phạm Bằng

Diện tích đất rừng mà gia đình bà Hoa nói đến nằm ở bản Hủa Na, xã Châu Hạnh, được gia đình khai hoang từ năm 2008. Trên diện tích này, gia đình đào ao thả cá, trồng lúa, chăn nuôi và dựng 1 cái lán để trông coi.

“Đợt đó, tôi vừa đào xong ao thứ 2, chòi vừa mới dựng. Tôi làm mạ và chuẩn bị trồng lúa nhưng bị bắt trả lại đất. Tiếc lắm! Vì công sức cả gia đình bao lâu nay đổ ra chỉ đổi lại được có 20 triệu đồng”, anh Phúc nói và cho biết thêm rằng, năm 2014, gia đình cũng được chia một diện tích đất rừng nhưng bị người khác lấn chiếm nên hiện không có đất rừng sản xuất.

"Mẹ tôi ra xã xin lại đất nhưng họ không cho và nói nếu gia đình không chấp thuận thì sau này chỉ trả đất, không được hỗ trợ tiền, nên gia đình phải chấp nhận thôi".

Anh Hà Văn Phúc - bản Na Xén, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu.

Chưa hết. Những tưởng diện tích đất lâm nghiệp của gia đình bà Hoa bị thu hồi sẽ được giao lại cho những người dân chưa có đất sản xuất. Thế nhưng, không lâu sau đó, người ta thấy 1 căn nhà sàn, mái tôn xanh mọc lên. Xung quanh là những chiếc ao mới được máy múc đào.

Theo người dân, chủ của ngôi nhà này là một doanh nghiệp và cán bộ đang công tác tại UBND huyện Quỳ Châu. Ngôi nhà được xây dựng lên sau khi gia đình bà Hoa trả lại đất theo yêu cầu của ông Hiếu - cán bộ địa chính xã.

Một khu sản xuất rộng lớn với nhà sàn, ao cá mới được dựng lên trên khu vực đất lâm nghiệp ở bản Hủa Na (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) mà gia đình bà Hà Thị Hoa khai hoang từ năm 2008. Ảnh: Phạm Bằng

Đến UBND xã Châu Hạnh để tìm hiểu thực hư việc thu hồi đất của gia đình bà Hoa. Tại phòng làm việc của ông Cao Hoàng Hải - Chủ tịch UBND xã còn có thêm 2 Phó Chủ tịch và ông Hiếu - cán bộ địa chính xã. Ông Hiếu cho rằng, đất lâm nghiệp đó là do gia đình bà Hoa chiếm dụng trái phép. Từ tháng 12/2018, xã cũng đã có thông báo đến Ban quản lý của 18 bản, đề nghị những gia đình đang chiếm dụng trái phép đất lâm nghiệp tự thu hoạch tài sản trên đất và hoàn trả lại mặt bằng để giao cho những gia đình chưa có đất lâm nghiệp.

“Tôi trực tiếp đến gặp và đề nghị gia đình thu hoạch tài sản, trả lại cho xã để giao cho người khác. Bà Hoa trình bày khó khăn của gia đình, trước cũng đã được chia đất nhưng đã bị người khác chiếm dụng... Đến nay xã vẫn chưa thu hồi đất của bà Hoa”, ông Hiếu khẳng định và cho hay, chưa nắm được thông tin có người khác vào xây nhà trên diện tích đất này.

Mặc dù ông Hiếu khẳng định là xã chưa thu hồi đất, chưa giao đất cho ai, nhưng thực tế như gia đình bà Hoa trình bày, gia đình đã phải dỡ lều trại, trả lại đất và nhận 20 triệu đồng. Diện tích đất lâm nghiêp này sau đó đã được một người khác vào dựng nhà, đào ao.

Một con đường được doanh nghiệp mở giữa rừng để xe cơ giới vào đến chân rừng, phục vụ quá trình sản xuất. Ảnh: Phạm Bằng

Thông tin bà Hoa nói cũng trùng với thông tin ông Nguyễn Duy Trà - một chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Châu cho biết. Ông Trà thừa nhận, ông chính là người đã đưa 20 triệu đồng cho một người đàn ông tên Huy - lái xe cho công ty và anh này cùng với anh Hiếu - cán bộ địa chính xã Châu Hạnh đến đưa cho bà Hoa và yêu cầu bà này trả lại đất.

“Đất đó là của anh Huy hay anh Hiếu thì tôi không biết. Tôi chỉ nói với Huy là thuê hay như thế nào thì tự làm việc chứ tôi không trực tiếp gặp bà Hoa”.

Ông Nguyễn Duy Trà - một chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Châu

Về vấn đề này, ông Cao Hoàng Hải - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh thừa nhận, chính quyền xã sai sót trong công tác quản lý đất đai. “Lãnh đạo xã đến bây giờ mới nắm được sự việc này, để nhà báo phản ánh thì đó không phải là sai sót nữa mà là làm việc chưa hết trách nhiệm. Tôi giao cho đồng chí Hiếu vào nắm đầy đủ thông tin và có báo cáo cụ thể để giải quyết theo trình tự, quy định. Nếu xây dựng trái phép thì ra quyết định đình chỉ ngay”, ông Hải nói.

Khác với góc nhìn của Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, khi xem bức ảnh phóng viên chụp ngôi nhà, ông Lê Xuân Đình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho rằng, đó chỉ là chòi và đây là “quyền của họ”, ông không can thiệp.

Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh thừa nhận sai sót, chưa làm tròn trách nhiệm khi không nắm được sự việc. Trong khi đó, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu thì cho rằng, đây chỉ là chòi. Ảnh: Phạm Bằng

Gom đất sản xuất của người dân

Không chỉ xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, ở khu vực nói trên còn có hiện tượng hàng chục ha đất lâm nghiệp đang được chuyển nhượng trái phép dưới vỏ bọc là “hợp đồng” làm kinh tế. Cách không xa khu vực lán trại của bà Hoa, nằm ở địa phận xã Châu Phong, 4 hộ gia đình ở các bản Tằm 1, Xốp Cam vào tháng 12/2018 đã được UBND huyện giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Khu vực đất lâm nghiệp được giao cho người dân xã Châu Phong (Quỳ Châu). Ảnh: Google Maps

Cụ thể, ông Vi Văn Huế ở bản Tằm 1 được giao 10,96 ha; ông Vi Văn Minh ở bản Tằm 1 được giao 11,23 ha; ông Vi Văn Tấn ở bản Tằm 1 được giao 10,35 ha và ông Lữ Văn Hóa ở bản Xốp Cam được giao 18,6 ha. Trạng thái rừng các hộ được giao là DT2 (đất trống có cây gỗ tái sinh).

Diện tích đất giao cho những hộ dân ở xã Châu Phong để trồng mới, phát triển kinh tế thì nay được những người khác gom và đang phát để chuẩn bị trồng keo. Ảnh: Phạm Bằng

Theo hồ sơ do xã Châu Phong cung cấp, cả 4 hộ dân này đều có đơn xin được thay thế rừng nghèo kiệt bằng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đơn được xã xác nhận, sau đó gửi Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu. Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu đã thành lập tổ đi kiểm tra, xác định hiện trạng rừng và đã có biên bản kiểm tra.

Sau khi có biên bản xác nhận của Hạt Kiểm lâm, nếu các hộ này phát, trồng mới rừng sản xuất thì không có gì đáng nói; đằng này, các hộ này đã chuyển nhượng những diện tích này cho những người khác dưới vỏ bọc “phối hợp” làm kinh tế và hiện diện tích đất này đã được phát để chuẩn bị trồng rừng mới.

Tìm đến nhà ông Lữ Văn Hóa ở bản Xốp Cam, gặp vợ ông là bà Lữ Thị Hiếu. Bà Hiếu khẳng định, năm 2014, gia đình được tạm giao diện tích 18,6 ha và mới đây gia đình đã nộp tiền nhưng vẫn chưa được cấp bìa. Diện tích đất này gia đình đã bán cho một người đàn ông tên Tùng với giá 1,5 triệu đồng/ha.

Bà Lữ Thị Huế (vợ ông Lữ Văn Hóa) khẳng định, gia đình đã bán 18,6 ha đất lâm nghiệp cho một người đàn ông tên Tùng với giá 1,5 triệu/ha. Ảnh: Phạm Bằng

“Cách đây 5 - 6 tháng, ông Tùng vào nhà hỏi có bán rừng không và nói không bán ngay thì hôm sau không mua nữa. Nhà tôi bán rẻ, chỉ được 1,5 triệu đồng/ha, còn những gia đình khác bán 5 triệu đồng/ha”, bà Hiếu nói và cho biết thêm rằng, có 4 nhà khác cũng bán như nhà bà gồm nhà các ông Lữ Văn Thảo, Vi Văn Đáng và Vi Văn Trung. Liên lạc qua điện thoại, ông Lữ Văn Hóa cũng khẳng định, diện tích này gia đình đã bán với thời hạn 20 năm, có sự xác nhận của xã.

Thực tế, việc các hộ dân nói trên chuyển nhượng đất lâm nghiệp cho người khác khi bìa chưa được nhận đều có thể được hợp thức hóa bằng những hợp đồng liên kết. Trong 4 hộ này, có ông Vi Văn Huế là người được giao đi gom đất của các hộ dân khác.

“Tôi không khẳng định anh Tùng (cán bộ UBND huyện Quỳ Châu - PV) có mua đất lâm nghiệp của ông Lữ Văn Hóa hay không mà tất cả anh giao cho Huế(con ông Vi Văn Minh) đứng ra lo, tôi chỉ đứng đằng sau và không qua người thứ 2. Huế báo với tôi là gom được gần 50 ha và hiện tôi đã đặt keo giống ở Bình Định để đưa về trồng”.

Ông Nguyễn Duy Trà - một chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Châu.

Liên quan đến thông tin một cán bộ UBND huyện Quỳ Châu có dính dáng đến việc gom đất rừng của dân, trao đổi qua điện thoại, ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nói, vấn đề này huyện đã nắm bắt và sau đó giới thiệu phóng viên gặp ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện để có thông tin cụ thể.

Một khu rừng ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) được đánh giá là rừng nghèo kiệt nhưng có nhiều cây gỗ với đường kính lớn. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, ông Hoài lại cho biết, chưa nắm được vấn đề này và khẳng định rằng, việc mua bán chuyển nhượng đất lâm nghiệp đang có rừng là bị cấm. Huyện không xác nhận cho bất cứ trường hợp nào chuyển đổi, mua bán.

Như thế, qua quá trình tìm hiểu, hé lộ những khuất tất, thậm chí có dấu hiệu vi phạm ở thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong các trường hợp nói trên tại Quỳ Châu. Quả là, lúc này, ví như ca dao dân gian, muốn được rõ ràng ngay, thì chỉ khi “đất rừng mà biết nói năng!...”.

Tác giả: Phạm Bằng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP