Giáo dục

Nhiều ngành “hot” giảm điểm chuẩn, ĐH vùng hạ kịch sàn “vét” thí sinh

Điểm chuẩn vào các trường năm nay nhìn chung đều giảm mạnh so với năm 2017, tuy nhiên có những trường giảm mạnh, hơn 4 điểm/môn đã đỗ đại học.

Đến nay, các trường đại học, học viện trong cả nước đã lần lượt công bố điểm chuẩn năm 2018. So với năm 2017, điểm trúng tuyển vào các ngành có nhiều biến động.

Nhiều ngành hot cũng giảm mạnh

Sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, thí sinh cũng như nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá đề thi khó và dài, dự báo điểm thi của thí sinh cũng như điểm trúng tuyển vào các trường sẽ có xu hướng giảm so với những năm trước.

Điểm chuẩn đại học năm 2018 giảm mạnh so với năm trước. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội vốn là ngành “hot” và có mức điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng, thế nhưng năm nay cũng đã giảm tới 4 điểm, chỉ còn 24,75. Tương tự, Y đa khoa của Y dược TP HCM cũng giảm còn 24,95.

Đây là mức điểm chuẩn thấp nhất của ngành này trong 5 năm trở lại đây.

Tại ĐH Y dược Hải Phòng, điểm chuẩn ngành Y Đa Khoa cũng giảm còn 22 điểm bằng với mức điểm của ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP HCM).

TS Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y dược Hải Phòng cho rằng, thực tế điểm chuẩn năm nay không giảm so với những năm trước. Mức điểm 22 năm 2018 có thể tương đương với mức điểm từ 26,5-27 điểm của năm 2017.

TS Ninh lý giải, sở dĩ điểm chuẩn năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái do phổ điểm thi THPT quốc gia thấp hơn hẳn, không còn tình trạng "mưa điểm 10", có sự phân hóa rõ ràng giữa các thí sinh. Bên cạnh đó, mức điểm ưu tiên giảm, kéo theo tổng điểm của thí sinh sẽ không cao như năm 2017.

Trước mối quan ngại rằng điểm chuẩn giảm có tỷ lệ thuận với chất lượng đầu vào của thí sinh? TS Ninh khẳng định: “Tuy điểm trúng tuyển giảm hơn các năm trước, nhưng chúng tôi đánh giá rằng chất lượng thí sinh không hề giảm. Các tân sinh viên trúng tuyển năm nay vẫn hoàn toàn đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong đào tạo ngành y dược".

Với đặc trưng tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, sinh viên không cần lo đầu ra sau 4-5 năm học đại học, kèm theo chất lượng giáo dục, các trường khối công an, quân đội luôn là đích đến của nhiều thí sinh. Thế nhưng, năm nay, điểm chuẩn của các ngành này cũng giảm mạnh so với năm trước.

Nếu như năm 2017, thí sinh đạt 30 điểm 3 môn không có điểm cộng ưu tiên, điểm khuyến khích vẫn trượt Học viện An ninh Nhân dân, thì năm mức điểm cao nhất cũng chỉ là 26,1 đối với nữ, xét tuyển theo khối D1.

Các ngành được cho là “hot” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) như Công nghệ thông tin, Điều khiển tự động hóa dù điểm chuẩn vẫn ở mức cao song cũng giảm so với những năm trước.

Đại học Bách khoa Hà Nội, trường hàng đầu cả nước trong khối ngành kỹ thuật, có điểm chuẩn năm 2018 dao động từ 18-25,35 điểm, thấp hơn mức trần năm ngoái gần 3 điểm.

Các trường địa phương hạ điểm chuẩn kịch sàn

Năm 2018, nhiều ngành học có điểm trúng tuyển thấp chủ yếu tập trung tại các trường đại học vùng.

Trong đó có không ít trường công bố mức điểm chuẩn chỉ mấp mé với điểm sàn, từ 13-14 điểm. Nếu có điểm ưu tiên theo khu vực, trung bình, thí sinh chỉ cần trên dưới 4 điểm mỗi môn đã có thể đỗ đại học.

Đơn cử như trường ĐH Duy Tân, hầu hết các ngành đều lấy điểm chuẩn là 13, trừ Bác sỹ đa khoa và Răng hàm mặt (19 điểm), Dược học (16 điểm).

Ngành Kiến trúc môn vẽ nhân hệ số 2 lấy 15 điểm, như vậy cũng chỉ trung bình chưa đến 4 điểm/môn.

ĐH Quang Trung (Bình Định) thông báo điểm chuẩn cho tất cả các ngành là 13, bằng với điểm sàn.

13/28 ngành của ĐH Hải Phòng cũng có điểm trúng tuyển là 14 như Văn học, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ chế tạo máy…

Đại học Thái Nguyên được đánh giá là trường ĐH vùng lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên, trừ các khối ngành y dược, các ngành liên quan đến kinh tế, kỹ thuật của trường đều lấy điểm phổ biến từ 13-14 điểm.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn năm trước, tuy nhiên, học sinh trung bình vẫn có thể đạt từ 15 điểm. Xem xét một cách cơ học, dưới mức điểm này có thể coi là dưới điểm trung bình. Nếu các trường lấy điểm quá thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo về lâu về dài.

Bộ sẽ sử lý nghiêm nếu các trường cố tình “vét” thí sinh

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, điểm chuẩn được các trường xác định lần lượt từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trong trường hợp điểm chuẩn của thí sinh quá thấp, sẽ phải hạ điểm chuẩn sát với điểm sàn, tuy nhiên, không được thấp hơn điểm sàn.

Mức điểm này phụ thuộc nhiều vào đặc trưng ngành nghề, thị trường lao động, cũng như phổ điểm thi chung theo từng năm. Trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia thấp hơn so với những năm trước, ông Trần Anh Tuấn cho rằng nhiều ngành giảm điểm chuẩn là điều dễ hiểu, ngay cả những trường top trên cũng không cao như năm trước.

“Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn đại học, giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường, tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành kiểm tra kết quả tuyển sinh các trường, xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường cố tình hạ điểm chuẩn quá thấp”, ông Tuấn cho biết./.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP