Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với 429 lao động. Công ty được UBND tỉnh Nghệ An giao quản lý và khai thác hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Công ty phục vụ tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã xảy ra nhiều dấu hiệu sai phạm liên quan đến thu, chi của công ty này…
Lập hồ sơ khống để thu lợi hơn 2 tỷ đồng
Cuối năm 2021, sau hàng loạt sai phạm xảy ra tại Xí nghiệp thuỷ lợi Đô Lương và Công ty cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Đô Lương (đều thuộc Công ty TNHH một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An) khiến 2 giám đốc và kế toán trưởng của các đơn vị này bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ thì UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Thanh tra tỉnh Nghệ An vào cuộc để tiến hành thanh tra các hoạt động của công ty này.
Trong quá trình thanh tra, lực lượng này đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật về trợ cước, trợ giá đối với việc thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (cấp bù thủy lợi phí) và ngân sách cấp bổ sung để khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra tại công ty mẹ.
Hàng năm, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tài chính và quyết toán tài chính từ khoảng 61 đến gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ tưới, sổ ghi chép, vận hành các hồ đập do các xí nghiệp thủy lợi quản lý, khai thác, phát hiện tại 4 huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Yên Thành, Đô Lương có một số hồ đập không thực hiện việc vận hành mở nước tưới Vụ Đông. Đồng thời xác định kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với các hồ đập không thực hiện việc vận hành mở nước tưới, tổng sai phạm số tiền 1.199.230.204 đồng.
Trạm bơm thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Đô Lương do Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý. Ảnh: Xuân Thống/ Báo Thanh Tra. |
Cũng qua kiểm tra hồ sơ tưới, chi phí tiền điện phát sinh tại các trạm bơm do Công ty quản lý, khai thác, đoàn thanh tra phát hiện có 3 huyện gồm Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương trong thời gian thực hiện vụ đông từ năm 2018 đến năm 2020, một số trạm bơm không thực hiện bơm nước tưới nhưng vẫn thiết lập hồ sơ đề xuất kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với các trạm bơm không thực hiện việc vận hành bơm nước tưới cho vụ đông với tổng số tiền 810.196.085 đồng. Điển hình như: Quỳnh Lưu 202.454.240 đồng, Đô Lương 509.539.445 đồng.
Như vậy, quá trình thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An không thực hiện vận hành hồ đập, trạm bơm cung cấp nước tưới vụ đông từ năm 2018 đến năm 2020 nhưng vẫn lập hồ sơ quyết toán đề nghị liên Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi với tổng số tiền 2.009.426.289 đồng.
Làm sai lệch hồ sơ nghiệm thu, quyết toán
Không chỉ lập hồ sơ khống để thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, thanh tra tỉnh Nghệ An còn phát hiện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An có nhiều sai phạm trong việc nghiệm thu, quyết toán biện pháp tưới không đúng thực tế.
Theo đó, qua kiểm tra hồ sơ tưới (hợp đồng cấp nước tưới, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng), phát hiện trên hồ sơ quyết toán của 2 huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu thể hiện diện tích được tưới tiêu là sử dụng biện pháp tưới bằng động lực và kết hợp trọng lực. Nhưng thực tế không thực hiện bơm điện mà chỉ tưới bằng trọng lực.Dẫn đến chênh lệch số tiền hồ sơ quyết toán và thực tế chi trả lên đến 1.148.039.704 đồng. Điển hình như Xí nghiệp Quỳnh Lưu lập hồ sơ tưới cho diện tích 4.475,42ha bằng biện pháp tưới bằng động lực và kết hợp trọng lực với tổng số tiền là 3.867.150.000 đồng, nhưng trên thực tế lại sử dụng biện pháp tưới trọng lực với mức giá 3.112.641.996 đồng, hưởng lợi bất chính từ chênh lệch với tổng số tiền 754.508.004 đồng.
Giải trình về những sai phạm nói trên, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An cho rằng: Do diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, đối tượng cây trồng đa dạng, nên các xí nghiệp thủy lợi, địa phương chỉ thống kê tổng diện tích sản xuất, không lập danh sách hộ dùng nước. Nhu cầu dùng nước sản xuất vụ đông thường rất nhỏ nên không lập lịch cấp nước chi tiết của các hồ chứa, tuyến kênh và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêu, tưới rất ít và không tưới. Và do nhu cầu dùng nước vụ đông rất nhỏ nên các xí nghiệp sử dụng nguồn nước tự nhiên từ các ao hồ kết hợp với các biện pháp khác để cung cấp nước tưới. Còn lý giải về các hợp đồng khai khống việc tưới nước nhưng trên thực tế thì không tưới mà vẫn thanh toán tiền thu lợi bất chính cho công ty, đơn vị này cũng cho rằng, hợp đồng ký kết giữa xí nghiệp là hợp đồng tưới, nhưng do điều kiện thời tiết thuận lợi nên không vận hành hồ đập mở nước tưới.
Ngoài ra, từ kết quả thanh tra cũng cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành các quyết định phân bổ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra, trong đó, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An được cấp tổng kinh phí là 7.337.378.000 đồng. Số kinh phí đơn vị đã sử dụng và được Sở Tài chính phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là 7.138.154.098 đồng. Hiện kinh phí kết dư, hết đối tượng chi trả còn 199.223.902 đồng.Nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty này mới nộp trả ngân sách số tiền 58.947.902 đồng.Hiện còn 140.276.000 đồng chưa nộp trả lại ngân sách Nhà nước.
Qua kết quả của quá trình thanh tra nói trên, được biết, hiện Thanh tra tỉnh Nghệ An đã kiến nghị thu hồi số tài tiền thu lợi bất chính do sai phạm của công ty này. Đồng thời chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để tiếp tục xác minh làm rõ đối với các các nhân, tổ chức dẫn đến những sai phạm nói trên.
Tác giả: Thùy Anh