Tháng nhịn 1 tuần giữ cân
Chị Đặng Thị Thanh 29 tuổi, Hà Nội, chia sẻ sau khi sinh liền hai bé, chị Thanh tăng 14 kg so với thời con gái. Béo ục ịch, các vòng ngấn mỡ khiến chị Thanh tự ti, mặc cảm. Sau đó chị Thanh áp dụng chế độ detox để giảm cân. Trong 4 tháng, chị Thanh ép được 10 kg và giữ ở mức 50 kg.
Sau đó, chị Thanh ăn uống trở lại bình thường và hàng tháng có 1 tuần chị sẽ nhịn để giữ mức cân nặng lý tưởng. Chị Thanh kể, thường chị sẽ áp dụng chế độ detox. Cả tuần đó chị chỉ uống nước lọc và ăn mỗi ngày khoảng 10 hạt mắc ca. Cứ như thế, các tuần khác chị ăn uống bình thường và nhờ đó 1 năm nay chị vẫn ép được mức cân nặng 50 kg, các vòng giảm mỡ rõ rệt.
Không riêng gì chị Thanh, trường hợp của anh Đỗ Quốc Dũng – 33 tuổi, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng tương tự. Anh Dũng từng có cân nặng 105 kg. Sau năm 2017 anh bị sốt xuất huyết và giảm được 15 kg. Sau đó anh tiếp tục đi tập và chế độ ăn keto để giảm tiếp được 15 kg nữa.
Sau khi giảm cân, anh Dũng rất khổ để giữ được cân nặng vì cơ địa dễ tăng cân nhiều khi chỉ ăn uống bình thường cũng thấy người nặng nề hơn. Để cơ thể nhẹ nhàng hơn, một tuần anh Dũng sẽ nhịn 2 ngày. Anh thường nhịn vào hai ngày cuối tuần để giảm bớt áp lực làm việc.
Không nhịn ăn gián đoạn theo ngày, chị Hà Thị Mai Trang – 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội đã áp dụng chế độ ăn 18:6. Tức chị Trang sẽ nhịn 18 tiếng trong 1 ngày và chỉ ăn nhẹ nhẹ. Hàng ngày, chị ăn từ 10h sáng và sau 17 h chiều chị không ăn gì ngoài uống nước.
Chị Trang cho biết, chị có đọc và tìm hiểu thì được biết nhịn ăn gián đoạn cũng được xem là một phương pháp phổ biến mà mọi người sử dụng để đơn giản hóa cuộc sống của họ và cải thiện sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như giảm thiểu ảnh hưởng của lão hóa.
Chị Trang chia sẻ sau khi ăn kiểu gián đoạn, chị thấy mình khỏe hơn, cân nặng giảm hơn và da dẻ tốt hơn.
Đối với những người sẵn sàng bắt đầu nhịn ăn, để cho trải nghiệm dễ dàng và thành công nhất chị Trang cho rằng cần kiên trì. Vì nhiều người rất khó bỏ thói quen ăn vặt. Chị Trang xây dựng kế hoạch ăn uống cho mình, xác định nhu cầu calo của bản thân, xây dựng kế hoạch ăn, theo dõi lượng calories.
Cần được bác sĩ tư vấn
Trao đổi với chúng tôi, BS Vũ Thị Thanh, phụ trách phòng khám dinh dưỡng Thanh Huyền ở Hà Nội cho biết những người thừa cân béo phì nghĩ thừa rồi nhịn ăn để cân nặng tụt đi tốt cho sức khỏe nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại.
Theo bác sĩ Thanh, hàng ngày vẫn cần năng lượng để nuôi cơ thể. Nếu mình cắt hết năng lượng thì cơ thể sẽ cần nhiều năng lượng và có thể gây sốc tế bào.
Cơ thể lấy năng lượng để nuôi cơ thể vì thế nó sẽ phải huy động mức năng lượng lớn. Nó rút lượng mỡ nhiều, sản sinh năng lượng nội đồng thời sẽ sinh ra nhiều axit latic. Lúc này, cơ thể sẽ có thể có các dấu hiệu kích thích, hưng phấn thậm chí hôn mê.
Một tác dụng phụ nữa đó là khi huy động nhiều chất béo đi nuôi cơ thể sẽ gây ra sỏi.
Khi thừa cân béo phì cần giảm năng lượng từ từ không nên cắt hoàn toàn và phải có sự theo dõi của bác sĩ.
Những người bị bệnh lý như đái tháo đường nếu nhịn có thể gây tụt đường huyết, hôn mê do hạ đường huyết.
Ngay kể cả người bị bệnh nào khác dù béo phì cũng không thể tự ý giảm béo cấp tốc như vậy.
Chế độ ăn gián đoạn trên thế giới cũng có nhưng họ có các phác đồ. Nếu thực hiện chế độ ăn gián đoạn cần tuân thủ theo bác sĩ dinh dưỡng và cần sàng lọc các bệnh lý trước.
Bác sĩ Thanh cho biết thông thường bác sĩ khuyên kiểm soát cân nặng bằng ăn uống đúng theo khẩu phần khuyến nghị. Nếu ăn uống ít nhưng vẫn béo mà ăn vặt thì cứ bồi thêm năng lượng cho cơ thể sẽ khó giảm cân hơn rất nhiều vì vậy kiểm soát khẩu phần ăn rất quan trọng.
Tác giả: Khánh Chi
Nguồn tin: Infonet.vietnamnet.vn