Du lịch

Những điểm du lịch tâm linh thú vị ở Cửa Lò không phải ai cũng biết

Hầu hết du khách đến Cửa Lò chỉ để nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon, rất ít người biết rằng Cửa Lò còn có những điểm du lịch văn hóa, tâm linh thú vị mà đa phần du khách có rất nhiều thời gian ở đây nhưng không ghé thăm, tìm hiểu những câu chuyện lịch, những thư tịch và những nét văn hóa, kiến trúc cổ đang được lưu giữ…

Huyền thoại về một vùng đất thiêng

Truyền thuyết kề rằng, xưa kia vùng biển Nghệ An hết sức khắc nghiệt với những trận cuồng phong dữ dội. Hàng năm các làng chài ở vùng biển Cửa Lò luôn phải chứng kiến những cảnh đau lòng khi nhiều thuyền đánh cá bị nhấn chìm bởi những cơ bão tố và những ngọn sóng cao hàng chục mét. Trước cảnh nhiều người ra đi không trở về, hai chàng ngư dân trẻ Cửa Lò đã tự nguyện làm vật hiến tế cho thần linh để đổi lấy sự bình yên cho người dân đi biển.

Trong một ngày thần linh nổi giận, gây giông bão dữ dội, những ngọn sóng cao ngất liên tiếp ập vào bờ, gió mưa gào thét, tất cả những ngư dân các làng chài phải đóng kín cửa ở trong nhà không một ai dám ra khơi, hai chàng ngư dân trẻ chống thuyền lao ra vật lộn với những con sóng dữ. Thật kỳ lạ, tất cả những con sóng, cuồng phòng bị thu hút vào hai ngư dân trẻ và sau một đêm giông tố bão bùng, sáng sớm thức dậy, cư dân các làng chàng thấy biển bình yên phẳng lặng và mọc lên hai hòn đảo xinh đẹp. Những người ngư dân Cửa Lò tin rằng, hai hòn đảo đó chính là do hai chàng ngư dân đã hóa thân tạo thành để ngăn chặn phong ba sóng dữ giúp dân làng có cuộc sống bình yên nên đặt tên là Song Ngư Sơn. Nhờ sự che chắn của Song Ngư Sơn mà từ đó biển Cửa Lò luôn trong xanh, phẳng lặng như ngày hôm nay.

Chùa Song Ngư, nơi thờ Phật Thích ca Quan âm và Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, có một vị danh tướng là người con Nghệ An có biệt tài về bơi lặn và thủy chiến đã lập nên những chiến công hiển hách, đó là Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn.

Theo sử sách ghi lại, Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254 ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu. Vốn là dân sông nước nên ngay từ nhỏ ông đã có biệt tài bơi lặn và thông minh khác người. Năm 1288, Hoàng Tá Thốn được Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ thống lĩnh đạo quân thủy binh phục kích đánh chặn địch ở Sông Bạch Đằng.

Chùa Song Ngư.

Du khách tham quan chùa Song Ngư lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu những câu chuyện lịch sử.

Ngày 9/4/1288 đội quân hùng mạnh của Nguyên Mông do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy đã bị đạo quân thủy binh của ta do Hoàng Tá Thốn chỉ huy đánh tan tác (400 chiến thuyền giặc bị đánh chìm, 8 vạn tên địch bị tiêu diệt và bị bắt sống trong đó có hai tướng chỉ huy: Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp). Đây được đánh giá là trận quyết chiến chiến lược lừng danh trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta. Ngay sau đó Hoàng Tá Thốn được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tuyên dương công trạng về lòng dũng cảm và tài chỉ huy thủy binh phối hợp với bộ binh; ông cũng được Vua Trần Nhân Tông phong tước hiệu: Sát hải Chàng lại Đại tướng quân (tương đương như chức Đô đốc Hải quân ngày nay).

Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Dần (1338), trên đường đi tuần thú, Sát hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn lâm bệnh rồi đột ngột từ trần. Vua Trần thương tiếc cho thuyền rồng chở linh cửu về an táng ở quê nhà và cấp kinh phí lập đền để nhân dân thờ phụng. Nhiều làng xã suy tôn ông là Thành Hoàng của làng, ở Nghệ An hiện có 3 ngôi đền thờ Hoàng Tá Thốn đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa (đền Vạn Phần, Vạn Tràng và Đền Đức Hoàng). Ngoài ra để ghi nhớ công lao to lớn của vị danh tướng đã giữ yên vùng biển quê hương đất nước, bà con ngư dân vùng biển Cửa Lò đã rước ông về thờ ở hạ điện Chùa Song Ngư, vốn được xây dựng trước đó để thờ Phật Thích ca Quan âm.

Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí

Đền Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (cách Cửa Lò chưa đầy 10km), là nơi thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, một danh tướng của Lê Lợi đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990.

Sử sách ghi nhận, Nguyễn Xí là một danh tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc nhà Hậu Lê và là đại thần trải qua 4 đời vua trong lịch sử Việt Nam, ông sinh ra ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), gốc người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cha mất sớm, Nguyễn Xí đi theo nghĩa quân Lê Lợi từ nhỏ, với tài thao lược, ông tham gia chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng và lập nên những chiến công vang dội như trận Tốt Động đánh bại quân Vương Thông; trận vây thành Đông Quan; tiếp ứng cho Lê Sát đánh địch ở Xương Giang, bắt sống hai tướng địch Hoàng Phúc, Thôi Tụ v.v…

Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí.

Với những công lao to lớn, Nguyễn Xí được Vua Lê phong là Cương Quốc công và cho mang họ nhà vua là Lê Xí. Năm 1463, ông được phong chức Thái úy và sau khi ông mất (1465), nhà vua truy tặng cho ông chức Thái sư.

Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí được khởi công xây dựng vào năm 1467 theo lệnh của Vua Lê Thánh Tông. Trải qua gần 600 năm, ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính. Hàng năm vào dịp cuối tháng Giêng, người dân địa phương đều tổ chức Lễ hội Đền Nguyễn Xí với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc để tưởng nhớ tới ông.

Đền Vạn Lộc, nơi thờ danh tướng Nguyễn Sư Hồi

Đền thờ Nguyễn Sư Hồi, hay đền Vạn Lộc, được Nhà nước công nhận xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 2001. Hàng năm, Lễ hội du lịch sông nước Cửa Lò được tổ chức đều có lễ rước long ngai, bài vị Thần Nguyễn Sư Hồi ra bãi tắm Cửa Lò để mở đầu lễ khai mạc. Đền Vạn Lộc có 3 tòa thượng, trung, hạ điện. Trong khuôn viên còn có đền thờ 3 cha con Quận công họ Nguyễn, có bia đá 4 mặt được dựng từ thời Lê Trung Hưng; có bia ghi công của danh y Phạm Đức Dụ; có mộ cá Ông và một số cây bàng cổ thụ hơn 500 tuổi.

Đền Vạn Lộc.

Lễ rước kiệu từ đền Vạn Lộc ra thị xã Bình Minh-Cửa Lò.

Nguyễn Sư Hồi lúc nhỏ có tên là Nguyễn Đình Khôi, con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xý, sinh ngày 26/5/1444 - mất ngày 21/5/1506. Mẹ là Lê Thị Ngọc Lân thuộc dòng tộc tôn thất nhà vua. Nối tiếp sự nghiệp của người cha, Nguyễn Sư Hồi, con của Cương Quốc công khi làm quan Trấn thủ 12 cửa biển đã có công chiêu dân khai khẩn vùng đất phía Bắc Cửa Lò. Ông cùng cha có công phò lập vua Lê Thánh Tông lên ngôi, nên được vua ban cho Quốc tính (mang họ Lê), cấp cho 150 mẫu ruộng đất và phong chức Nhập nội, Thiếu úy, Phò mã Đô úy, Tham dự triều chính, gia phong Thái bảo Tổng Đô đốc, Thượng tướng quân Thập nhị hải môn (trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn cho đến Cửa Tùng), tước Quận công. Ông là Đô đốc chỉ huy hạm đội lớn nhất thời vua Lê Thánh Tông, lập chỉ huy trấn thủ tại Cửa Xá.

Trong thời gian này ông huy động quân dân xây kè (đến nay vẫn còn dấu tích một đoạn kè đá), khai khẩn đất hoang, lấn biển lập ra trại Cây Bàng, sau thành ra làng Tân Lộc và Vạn Lộc, tức là xã Hải Giang, nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.

Sau khi Nguyễn Sư Hồi mất (năm 1506), ngoài việc cho lập đền thờ ở làng Vạn Lộc, để nhân dân nhớ ơn, quanh năm thờ cúng, các triều vua đều có sắc phong cho Thần Bản cảnh Thành hoàng.

Hiện nay ở cả 3 di tích văn hóa lịch sử nói trên đang lưu giữ nhiều hiện vật, những tài liệu lịch sử có giá trị ít người biết đến. Ngoài ra không gian cổ kính, những nét kiến trúc độc đáo của các công trình văn hóa tâm linh này cũng giúp cho du khách có được những trải nghiệm, những giờ phút thư thái sau những ngày làm việc vất vả.

Tác giả: Hoàng Hảo

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: du lịch tâm linh , cửa lò

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP