Giáo dục

Những thí sinh "đặc biệt" tại Nghệ An, Hà Tĩnh

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một số thí sinh tại Nghệ An và Hà Tĩnh phải tham dự thi với hoàn cảnh đặc biệt, may mắn có sự trợ giúp của thầy cô giám thị, sinh viên tình nguyện, các thí sinh đã không bỏ lỡ kỳ thi.

Nghệ An có 36.889 thí sinh thi tham dự tốt nghiệp THPT năm 2023. Các thí sinh tham dự kỳ thi tại 70 điểm thi, với 1.669 phòng thi, trong đó có 71 phòng chờ. Nghệ An đã triển khai 210 đội với 2.700 thanh niên tình nguyện Tiếp sức mùa thi cùng sĩ tử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Nghệ An đã huy động 5.864 cán bộ làm công tác coi thi, phục vụ kỳ thi, trong đó có 3.843 cán bộ làm công tác coi thi, cán bộ giám sát điểm thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An động viên thí sinh Nguyễn Công Đạt

Kỳ thi năm nay được tổ chức với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh Nghệ An có 100 thí sinh được miễn thi tất cả các bài thi, trong đó, có 8 em là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2023. Số còn lại là những học sinh bị khuyết tật nặng được miễn thi tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Về môn Ngoại ngữ, năm nay, toàn tỉnh Nghệ An có 1.012 học sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ vì có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương. Số lượng học sinh được miễn thi năm nay gấp đôi so với năm 2021 và nhiều hơn 200 em so với năm 2022. Ngoài đăng ký môn ngoại ngữ là Tiếng Anh, Nghệ An có cả các thí sinh đăng ký dự thi ngoại ngữ môn tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Đức.

Giám thị kiểm tra máy quay camera trước khi thực hiện nhiệm vụ với thí sinh Nguyễn Công Đạt tại điểm thi Trường THPT Nghi Lộc 3

Cùng với hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước, ngày 28.6, 17.249 thí sinh tại 35 điểm thi ở Hà Tĩnh bước vào ngày thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay, có 14.175 thí sinh hệ THPT, 3.074 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 2.608; thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và lấy kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng là 14.146; có 495 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tại 35 điểm thi, Ban Chỉ đạo kỳ thi đã bố trí 751 phòng thi chính thức, 106 phòng chờ; mỗi điểm thi bố trí ít nhất 1 phòng thi dự phòng để tổ chức thi cho đối tượng thí sinh sốt, ho… Ban chỉ đạo kỳ thi cũng điều động hơn 2.700 cán bộ giáo viên, nhân viên, các lực lượng công an, y tế, bảo vệ… làm nhiệm vụ tại các điểm thi. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, các trường THPT nơi được lựa chọn làm hội đồng thi đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phương án đảm bảo an ninh trật tự an toàn trường thi, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho thí sinh được chuẩn bị chu đáo. Các sở, ban, ngành liên quan bố trí đầy đủ lực lượng vòng trong, vòng ngoài để bảo vệ đề thi, bài thi 24/24h, giữ gìn an ninh trật tự trong các buổi thi, đồng thời tăng cường phân luồng giao thông tại các điểm thi; chuẩn bị phương tiện vận chuyển đề thi, bài thi, phục vụ giáo viên coi thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một số thí sinh của Nghệ An và Hà Tĩnh phải tham dự thi với hoàn cảnh đặc biệt, may mắn được sự động viên của gia đình, có sự trợ giúp của thầy cô giám thị, sinh viên tình nguyện, các thí sinh đã không bỏ lỡ kỳ thi.

Tại điểm thi Trường THPT Nghi Lộc 3, bị tai nạn gãy tay phải, Nguyễn Công Đạt dự thi tại phòng riêng, có giám thị chép bài hộ, đặt máy quay, ghi âm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là lần đầu tiên Trường THPT Nghi Lộc 3 gặp trường hợp thí sinh vướng tai nạn như vậy, và đã chuyển đơn xin ý kiến Sở GD&ĐT Nghệ An. Sau đó, Sở cũng đã xin ý kiến của Bộ GD&ĐT.

Em Nguyễn Công Đạt là học sinh nhiều năm liền đạt kết quả học tập xuất sắc của Trường THPT Nghi Lộc 3. Các đợt thi thử tốt nghiệp THPT em đều nằm tốp đầu của trường. Nhưng tai nạn đáng tiếc lúc chơi thể thao vào 3 tuần trước kỳ thi khiến tay phải của Đạt bị chấn thương phức tạp. Em phải phẫu thuật kết hợp nối xương cẳng tay, xương quay kèm trật khớp quay trụ dưới. Gần 3 tuần sau phẫu thuật, tay phải của nam sinh này vẫn cố định bằng bột và chưa thể tự viết. Em Đạt đã trình bày với cô giáo chủ nhiệm, cùng đọc kỹ quy chế thi tốt nghiệp THPT và viết đơn xin bố trí người chép hộ tại bài thi Ngữ văn. Phương án ban đầu, nhà trường sẽ bố trí một học sinh lớp 10 hoặc lớp 11 chép bài cho Đạt. Tuy nhiên, sau đó, theo hướng dẫn của Bộ, điểm thi phải bố trí giám thị (không có chuyên môn Ngữ văn chép bài cho học sinh để đảm bảo khách quan). Trước ngày thi, Đạt được ban giám hiệu nhà trường đến động viên. Em cũng được bố trí buổi “thi thử” đặc biệt với người chép hộ là một học sinh lớp 10 để làm quen cách thức thi chưa có tiền lệ này. Thí sinh Nguyễn Công Đạt bày tỏ: “Em đặt mục tiêu cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù gặp sự cố trước kỳ thi, nhưng em vẫn quyết tâm để thể hiện được hết năng lực của mình sau 12 năm học tập, ôn luyện miệt mài”.

Thí sinh Lê Văn Dương được sự hỗ trợ của thanh niên tình nguyện. Ảnh: Việt Hùng

Trong phòng thi dành riêng cho thí sinh Nguyễn Công Đạt, có giám thị chính và giám thị hỗ trợ chép bài. Trước đó, 2 giáo viên khác của trường đã được cắt cử xuống phòng thi của Đạt lắp đặt camera, hướng dẫn Đạt sử dụng máy ghi âm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Hai thiết bị này chỉ có tác dụng ghi lại toàn bộ quá trình làm bài, đọc bài cho giám thị chép, không thể truyền, phát thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh ra ngoài.
Cô Ngô Thị Hồng Dung – GV Trường THPT Cửa Lò 2 - giám thị hỗ trợ chép bài cho Đạt chia sẻ: “Tôi là giáo viên Tiếng Anh, đã có hơn 20 năm dạy học và nhiều năm nhận nhiệm vụ coi thi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm giám thị với vai trò đặc biệt như thế này. Đạt là học sinh nhanh nhẹn, sau khi trao đổi, em đã bình tĩnh và tỏ ra tự tin với hình thức thi riêng này. Bản thân tôi cũng cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho em Đạt theo đúng quy chế thi”.
Trong ngày thi đầu tiên 28.6, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành cũng đã trực tiếp đến điểm thi để động viên em Nguyễn Công Đạt trước khi vào phòng thi. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời sẽ tiếp thêm động lực để thí sinh này hoàn thành kỳ thi đặc biệt của mình.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), hàng trăm thí sinh có mặt từ rất sớm để chuẩn bị bước vào môn thi Ngữ văn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đặc biệt, ở điểm thi này có 1 thí sinh do bị gãy chân nên được gia đình chở bằng xe máy đến trường, sau đó chống nạng đi lên phòng thi. Tại điểm thi này, em Dương có số báo danh tại phòng thi 53, tầng 3. Do chân bị gãy phải chống nạng nên việc đi lại của em rất khó khăn. Để giúp Dương lên phòng thi dễ dàng, Đội Thanh niên tình nguyện xã Sơn Hải đã hỗ trợ dìu, cõng thí sinh lên cầu thang. Đồng thời, khi hết giờ thi, Dương cũng được các anh, chị tình nguyện viên vào tận phòng hỗ trợ, dìu ra trường để lên xe chở về nhà.

Thí sinh Đặng Văn Ảnh tại điểm thi Trường THPT Đồng Lộc (Hà Tĩnh) dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Đáng chú ý tại điểm thi Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc), thí sinh Đặng Văn Ảnh, 46 tuổi, Trưởng thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã đến dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Được biết, ông Ảnh là thí sinh lớn tuổi nhất trong số các thí sinh tham gia thi kỳ thi này tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Động viên trưởng thôn thi tốt, nhiều bà con nhân dân đã động viên với nhiều lời chúc trưởng thôn đi thi bình tĩnh, tự tin. Ông Ảnh chia sẻ: “Trải qua quá trình làm việc, muốn đi học, nâng cao trình độ văn hóa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi tốt nghiệp THPT tôi muốn đi học lên đại học ngành công tác xã hội rồi về quê công tác, góp phần xây dựng quê hương. Đồng thời với nghị lực vươn lên, tôi phấn đấu thi tốt để làm gương vươn lên học tập cho con, cháu”.

Ông Nguyễn Chỉ Tùng, Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: Trưởng thôn Ảnh từ nhỏ rất khao khát được đi học, nhưng gia đình khó khăn nên khi đến lớp 9 phải nghỉ học để đi làm giúp gia đình. Anh Đặng Văn Ảnh đã làm Trưởng thôn Liên Tài Năng hơn 10 năm nay. Trong thời gian ba năm qua, anh Ảnh tham gia học THPT hệ vừa học vừa làm tại Trung tâm GDTX huyện Can Lộc. Ngoài các buổi học ở trường, chu toàn công việc của một trưởng thôn, anh Ảnh tranh thủ học thêm trên kênh Youtube về kiến thức, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để chia sẻ với bà con nông dân. Với hoạt động cống hiến năng nổ ở địa phương, năm 2010, bà con nhân dân tín nhiệm bầu ông Ảnh lên làm trưởng thôn. Anh Ảnh là tấm gương sáng về việc không ngừng rèn luyện học tập dù ở độ tuổi nào.

Tác giả: Phạm Ngân

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP