Theo báo Nhân Dân, đầu tháng 4, Công an huyện Hải Hậu phát hiện, bắt quả tang Đỗ Mạnh Tường (SN 2000, trú xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh) đang tiêu thụ tiền giả. Khám xét tại chỗ, lực lượng chức năng địa phương thu giữ 7,8 triệu đồng tiền giả. Bản thân Tường trước đó đã dùng 1,7 triệu đồng tiền giả mua một chiếc điện thoại.
Tiếp tục lần theo manh mối, lực lượng công an tiến hành bắt giữ Trần Hoàng Anh (SN 2002, trú xã Nam Thanh, huyện Nam Trực), cũng là một đối tượng tiêu thụ tiền giả. Hoàng Anh khai nhận đã đặt mua tiền giả qua mạng xã hội của một người tên là Nguyễn Văn Tác, cùng ở Nam Định. Sau đó, khi bất ngờ ập vào một ngôi nhà ở xóm Lâm Hồ (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy), Công an huyện Giao Thủy bắt quả tang Nguyễn Văn Tác cùng đồng bọn đang có hành vi sản xuất tiền giả.
Tại hiện trường, công an thu giữ các loại máy móc, vật tư phục vụ việc in tiền giả và 41 tờ tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng. Nguyễn Văn Tác (SN 1996, trú tại xóm 16, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy) nảy ra ý định phạm pháp khi lên mạng xem kỹ thuật sản suất tiền giả. Đối tượng đặt mua máy móc, thiết bị, vật tư qua các dịch vụ thương mại điện tử. Cùng đồng bọn là Cao Văn Phương (SN 1995, trú cùng xóm 16, xã Giao Thịnh), Tác bắt đầu in tiền giả, bán lấy tiền thật với tỷ lệ một triệu đồng tiền thật mua được từ năm đến sáu triệu đồng tiền giả.
Ảnh minh họa |
Với các tờ tiền giả mệnh giá 100 nghìn đồng và 500 nghìn đồng, qua mạng xã hội, chúng đã bán được gần một tỷ đồng cho 113 người ở 38 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu lợi bất chính 135 triệu đồng tiền thật.
Trước đó, vụ việc tương tự từng xảy ra ở Bình Dương. Tháng 10/2019, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khám xét nơi ở của đối tượng Phạm Quốc Cường (SN 1984, thường trú thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo), thu giữ 53 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.
Cường khai nhận với cơ quan công an đã mua tổng cộng 40 triệu đồng tiền giả từ một đối tượng tên Đức chưa rõ lai lịch tại khu vực Bến xe Miền Đông, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh về với mục đích tiêu thụ, kiếm lời. Tính đến ngày bị bắt, Cường đã tiêu thụ được 13,5 triệu đồng tiền giả với thủ đoạn như mua thuốc lá, thẻ cào điện thoại rồi lấy lại tiền thừa.
Thiếu tá Bùi Ngọc Đức, Phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết thêm: “Phương thức của các đối tượng này là sử dụng tờ tiền có mệnh giá lớn (tờ 500.000 đồng) để mua các vật có giá trị nhỏ để đối lấy tiền thật. Mục tiêu nhắm đến là các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ như buôn bán tạp hóa... gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân”.
Khác với thủ đoạn của Phạm Quốc Cường, để có tiền giả tiêu thụ và bán cho các đối tượng khác, Lê Văn Lợi (SN 1970, ngụ quận 6, TP.Hồ Chí Minh) cùng các đối tượng trong băng nhóm của mình đã mua cả máy móc, thiết bị để in tiền giả. Sau khi in ấn tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, như 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, Lợi cùng đồng bọn đem tiêu thụ tại nhiều nơi.
Đến tháng 11/2019, khi đồng bọn của Lợi đang trên đường đi tiêu thụ tiền giả thì bị lực lượng tuần tra Công an phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một kiểm tra, bắt quả tang. Khám xét nơi ở của Lợi và đồng bọn, cơ quan an ninh điều tra thu giữ 135 tờ tiền giả các loại với tổng giá trị 56,3 triệu đồng, nhiều bản in các tờ tiền chưa hoàn chỉnh cùng nhiều loại máy móc như: Máy tính, máy in, máy ép...
Tác giả: Chi Chi
Nguồn tin: Doisongplus.vn