Sân trụ sở xã Thạch Lâm cũ được người dân biến thành nơi tập thể thao - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Đầu năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Do đó trụ sở, trạm xá của Thạch Lâm, Thạch Hương bỏ hoang cho đến nay. Chiều 20-9, ghé trụ sở UBND xã Thạch Lâm cũ, tại đây rất nhiều người cao tuổi đang tận dụng sân để tập thể dục. Tòa nhà hai tầng trụ sở xã này được đầu tư kiên cố nhưng do lâu ngày không sử dụng đã có dấu hiệu meo mốc.
Đầu tư tiền tỉ để đạt "nông thôn mới"
Ông Lê Văn Tý - 75 tuổi, ở thôn Phía Đông (Thạch Lâm) - cho biết trụ sở này được xã (mới) Tân Hương Lâm nhờ thôn Phía Đông quản lý. Thấy sân bãi rộng, người dân dựng mấy sân bóng chuyền để tập luyện thể thao. "Khu nhà hai tầng không được sử dụng từ đầu năm đến nay, chỉ hội trường xã được thôn tận dụng họp dân" - ông Tý kể lại.
Trụ sở UBND xã Thạch Hương cũ thậm chí được đầu tư khang trang hơn. Hội trường được xây mới hơn 4 tỉ đồng, đến giờ vẫn còn mùi sơn. Hai dãy nhà làm việc hai tầng rất khang trang, bề thế. Nhưng từ ngày sáp nhập, hệ thống phòng làm việc, hội trường của xã được đóng kín, chỉ có đám trẻ nhỏ trèo qua hàng rào vào chơi đùa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Kiều - nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Hương, nay là phó chủ tịch UBND xã Tân Hương Lâm - thừa nhận để đạt chuẩn nông thôn mới, từ năm 2017 - 2019 xã Thạch Hương đầu tư hơn 8 tỉ đồng để xây mới hội trường, nâng cấp sửa chữa hai dãy nhà làm việc. Theo ông Kiều, trong nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ vừa rồi có chủ trương xin đưa trụ sở vào khu trung tâm giải trí cho khu vực phía tây của xã nhưng chờ tỉnh quyết.
Tương tự, ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có 3 xã Đức Thanh, Đức Bình, Đức Thịnh sáp nhập thành xã Thanh Bình Thịnh, có 2 trụ sở xã bị bỏ hoang. Trong đó, trụ sở xã Đức Thanh cũ phải đầu tư hơn 4 tỉ đồng để về đích nông thôn mới, trong khi xã còn nợ xây dựng nông thôn mới khoảng 10 tỉ đồng...
Trụ sở xã Thạch Hương cũ ở huyện Thạch Hà đầu tư hơn 8 tỉ đồng nay bỏ hoang - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Khó bán các trụ sở xã
Ông Nguyễn Anh Đức - phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ - cho biết sau khi có chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, huyện đã chuyển từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn nên có 12 trụ sở xã không được sử dụng nữa. "Những trụ sở xã dư thừa, tỉnh Hà Tĩnh vẫn giao cho xã quản lý để thanh lý bán. Việc đấu giá này sẽ khó thu hồi được vốn ban đầu. Hiện nay chỉ có thể tổ chức bán đất thôi, còn tài sản trên đất đưa ra bán đấu giá là rất khó có người mua" - ông Đức trình bày.
Theo ông Đức, thủ tục quy định phải xin Sở Tài chính thẩm định giá, giá trị trên 1 tỉ đồng chủ tịch tỉnh ra quyết định. "Hiện nay khó bán các trụ sở xã lắm, tài sản trên đất mà định giá cao là không bán được. Tài sản trên đất rất là lớn, nếu có bán cũng khó có ai đủ năng lực mà mua" - ông Đức phân bua.
Còn ông Đoàn Tiến Đạt - chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà - cho biết huyện đã sáp nhập từ quy mô 31 xã, thị trấn xuống còn 22 xã, thị trấn. "Hiện tại huyện chưa bán được trụ sở xã nào vì đang trong lộ trình. Thời điểm nào bán được thì không thể khẳng định được" - ông Đạt cho hay.
Trong khi đó, ông Hà Văn Trọng - giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh - khẳng định các trụ sở dư thừa sau khi sáp nhập các xã thì theo phương án tỉnh đã giao cho huyện, tất nhiên theo quy hoạch. "Trụ sở nào sử dụng hay bán là do huyện phê duyệt, lập phương án trình lên tỉnh. Việc trụ sở dư thừa sau sáp nhập mà chưa bán hay sử dụng gì là do huyện chủ trì, còn sở chỉ là đơn vị tham mưu, thẩm định giá" - ông Trọng nói.
Tác giả: Văn Định
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ