Kinh tế

Sập sàn Busstrade bao lãi 30%/tháng, người chơi tóa hỏa, lo mất tiền

Nhiều người chơi bỏ tiền vào Busstrade, một ứng dụng được quảng cáo là mang về lợi nhuận 20 - 30%/tháng, đang "đứng ngồi không yên" khi sàn bỗng dưng tạm dừng hoạt động.

Ngày 7/5, nhiều người chơi tá hỏa khi sàn Busstrade không thể truy cập. Người đứng đầu sàn thì bỗng dưng mất liên lạc.

Theo quảng cáo, Busstrade là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân cho phép người dùng có thể lựa chọn mua hoặc bán hoặc trong vòng 30 giây đặt lệnh. Do đó, chỉ cần 100 USD, ai cũng có thể chơi, rút gốc và lãi tùy thích.

Những lời quảng cáo "mật ngọt".

Tuy nhiên, lãi chẳng thấy đâu mà nhiều người chơi đã khóc dở mếu dở khi toàn bộ số tiền dốc vào Busstrade "không cánh mà bay".

"Thời gian đầu, Busstrade sử dụng phương pháp có tên là Robot trade sau đó thì chuyển sang Copy trade. Với lý giải, Copy trade là cách hãng bảo hiểm vốn 100% cho khách hàng, nếu cháy đền 100%" - một người chơi thông tin.

Để dụ người chơi, đội ngũ Busstrade liên tục tung ra những bảng lợi nhuận "khủng".

Để dụ khách hàng, tháng 2/2021, ứng dụng này đã làm "cháy" tài khoản của một số nhà đầu tư. Sau đó, người đứng đầu sàn đền lại số tiền theo thỏa thuận để tạo sự tin tưởng. Bước tiếp theo là kêu gọi việc nâng vốn, khi đủ vốn thì quay sang bảo trì sàn.

"Việc bảo trì sàn cứ diễn ra liên tục như một thói quen. Cứ bảo trì vài ngày xong sẽ mở lại. Nếu ai có ý kích động hoặc nói tiêu cực sàn sập sẽ bị kích ra khỏi các hội, nhóm. Và đến ngày 7/5, sàn sập thật, chúng tôi không thể truy cập vào bất cứ website nào của hãng cũng như không thể liên lạc với người đứng đầu sàn" - một nhà đầu tư Busstrade nói.

Cũng theo người này, khi tham gia vào Busstrade, nhà đầu tư không cần kiến thức tài chính mà chỉ việc bấm lệnh theo "thầy". "Thầy" ở đây là những người trong đội ngũ Busstrade. Hàng ngày, họ sẽ lên các ứng dụng như facebook, zalo phổ cập kiến thức, kêu gọi nhà đầu tư nạp tiền và đi "săn". Với quảng cáo, nếu chăm chỉ đi "săn" liên tục, người chơi sẽ thu về 1 - 2% lợi nhuận.

Từ mô tả, sàn Busstrade có lợi nhuận 20 - 30%/tháng và bảo hiểm vốn 100%.

Chị H.Y, một người trong hội tố cáo Busstrade lừa đảo, thông tin, vào 3 ngày 16, 17, 18 tháng 4, những người đứng đầu sàn đã tắt điện thoại và không giao dịch tiền. Sau những ngày đó, họ bắt đầu phổ biến thông tin ai nâng vốn sẽ hưởng lợi "khủng".

Ngày 22/4, sàn thông báo các tài khoản nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% trong ngày này sẽ nhận được ưu đãi "khủng" như nạp 1.000 - 2.000 USD sẽ nhận được lợi nhuận 5%, nạp 5.000 USD lợi nhuận tới 7%. Còn các tài khoản nâng vốn ngày 23/4 vẫn miễn phí bảo hiểm và nhận lợi nhuận 2% trong tuần.

Sau đó, sàn tiếp tục bảo trì và mở lại vào ngày 5/5. Tuy nhiên đến ngày 5/5, sàn cho biết, toàn bộ đồng USD trên tài khoản sẽ chuyển về BToken với giá 10$ = 1 BToken. Theo người chơi, đồng BToken không có giá trị gì, bởi đây là sản phẩm do các dự án tự phát hành.

Vô lý hơn, Busstrade còn tự thông báo, ngày 8/5, sàn sẽ đóng lại. Nhưng mới đến ngày 7/5, nhiều nhà đầu tư bỗng "đứng ngồi không yên" phát hiện ra sàn đã tạm dừng hoạt động. Đồng nghĩa với việc, toàn bộ số tiền mà nhà đầu tư nạp vào tài khoản sẽ bị đóng băng, không thể rút ra được nữa.

"Khi sàn sập, những người đứng đầu Busstrade còn nhanh tay xóa hết liên hệ, thông tin của mình trên các hội nhóm, diễn đàn. Nhưng may thay, chúng tôi đã chụp lại toàn bộ và lường trước rằng, tất cả sẽ có ngày hôm nay" - chị H.Y bức xúc nói.

Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều người chơi bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền đang đồng loạt làm đơn tố cáo, gửi các cơ quan chức năng.

Trước khi Busstrade bị tố lừa đảo thì các ứng dụng như Coolcat, Pchome cũng lần lượt được "réo tên". Như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/4, hàng trăm người dân bị lừa đảo khi tham gia sàn giao dịch Coolcat đã viết thư cầu cứu tập thể gửi đến Chủ tịch nước với mong muốn lấy lại số tiền đã đầu tư.

Coolcat được quảng cáo là nền tảng giao dịch bảo hiểm vốn đầu tiên tại Việt Nam. Sàn giao dịch này thực hiện các giao dịch vàng, USD, bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác và được quảng cáo là được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban chứng khoán Bahamas(SCB) (Mã: SIA-F212), kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai và minh bạch.

Tiếp đến là ứng dụng giật đơn ảo mang có tên là Pchome, theo quảng cáo, đây là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Shopee, Lazada... để nhận hoa hồng.

Công việc hàng ngày của người chơi là truy cập vào ứng dụng, "giật" đơn hàng. Mỗi ngày được "giật" tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện, người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định.

Tuy nhiên, lãi chưa thì thấy đâu mà nhiều người đã mất cả chục triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng khi lỡ dại, rót tiền vào app. Thế nên, hàng loạt người chơi Pchome đang cùng nhau làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tác giả: An Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP