Du lịch

Sau Mắt Biếc, Huế lên nhiều phương án để quảng bá du lịch

Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang tranh thủ chớp lấy thời cơ từ sức “nóng” của bộ phim Mắt Biếc để lan tỏa, đưa hình ảnh, con người, văn hóa, di tích… của địa phương đến với du khách gần xa.

Mấy ngày qua, sau khi khởi chiếu, bộ phim Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ đã tạo ra một sức hút đối với những người yêu điện ảnh nước nhà. Ngoài nội dung nhẹ nhàng lấy từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim còn lôi cuốn người xem bởi hình ảnh đẹp với những bối cảnh thơ mộng được quay ở Thừa Thiên-Huế.

Cây "cô đơn" - cây vông đồng, một trong những "chất liệu" tạo nên sự thành công cho bộ phim Mắt Biếc.


Những bối cảnh trong phim như: Cây vông đồng – cây “cô đơn”, trường tiểu học Đo Đo, trường Đại học Sư phạm Huế, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh… mấy ngày qua cũng trở thành điểm “check-in” thường xuyên được giới trẻ trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên-Huế tìm về.

Qua đây, có thể thấy rằng, sức lan tỏa của ngành “công nghiệp không khói”- du lịch thông qua điện ảnh là không thể phủ nhận. Nếu như trước đây, du lịch Phú Yên “sốt” lên một thời gian với bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Đà Nẵng với phim truyền hình “Tuổi Thanh Xuân 2” …thì Huế đang đứng trước cơ hội mới để quảng bá du lịch tỉnh nhà.

Chớp lấy thời cơ này, hôm nay (26/12), sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cùng một số doanh nghiệp lữ hành có buổi khảo sát một số điểm quay trong phim Mắt Biếc như: cây vông đồng - cây cô đơn, HTX Phú Thuận nơi quay Trường tiểu học Đo Đo (thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền); nhà số 66 phố cổ Bao Vinh (TX Hương Trà)…

Lãnh đạo huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) cho biết, nhằm quảng bá điểm đến và phục vụ tốt hơn du khách và cộng đồng, cơ quan chức năng sẽ tổ chức bảo vệ cảnh quan chung, lập bãi giữ xe kết hợp phục vụ giải khát và nhà vệ sinh phía ngoài khu vực cây “cô đơn”; quan tâm vệ sinh môi trường ở tuyến đường vào cây “cô đơn”, trồng hoa đầu đường và dựng lại chiếc lán bên dưới gốc cây; dựng lại quán nước phía trước HTX Phú Thuận – cảnh quay Trường tiểu học Đo Đo; tổ chức dịch vụ thuê xe đạp chụp ảnh và thăm cảnh quan địa phương; đặt biển báo hướng dẫn điểm đến trên một số tuyến đường từ để du khách nhận biết. Các hoạt động trên sẽ được thực hiện sớm trong tháng và trong dịp ngày Chủ nhật Xanh cùng tuần.

Cảnh quay trường Đại học Sư phạm Huế trong phim Mắt Biếc.

Phía doanh nghiệp lữ hành cũng nêu một số ý tưởng trong liên kết tour tuyến, dịch vụ, các sản phẩm làng nghề (Mây tre Bao La), sản vật nông nghiệp (mía Cẩm Tân, rau má Quảng Thọ,..) cũng như các điểm khám phá khác trong phạm vi (Chùa Thiện Khánh, Phủ Bác Vọng, Di tích nhà bia Đặng Hữu Phổ), để địa phương và các doanh nghiệp lữ hành khác tham khảo và thực hiện.

Còn phía TX.Hương Trà cũng cho hay, sẽ có một số phương án hỗ trợ nhóm cộng đồng chỉnh trang môi trường khu vực bến cầu tàu và phối hợp với các đơn vị lữ hành tạo những điểm “check in” và nơi đỗ xe phù hợp ở khu phố cổ Bao Vinh.

Một số địa chỉ bối cảnh của phim cũng được các đơn vị lữ hành và du khách, cộng đồng quan tâm tìm hiểu khám phá như: Ga Cầu Hai, huyện Phú Lộc (cảnh cuối phim); Trung tâm Văn hoá thành phố Huế - 65 Trần Hưng Đạo - thành phố Huế (rạp Hưng Đạo); Trường ĐHSP Huế; đồi Thiên An; đồi Vọng Cảnh; Nhà số 56, Bạch Đằng, TP Huế (nhà may Hà Lan); Nhà 36 Bạch Đằng, TP Huế (quán kem)…

Những động thái này, cho thấy, ngành du lịch Huế đang tranh thủ phát huy hết sự lan tỏa của Mắt Biếc nhằm đưa hình ảnh, con người, văn hóa, di tích… của địa phương đến với du khách gần xa. Rồi đây phố cổ Bao Vinh, trường Đại học Sư phạm Huế, đồi Thiên An…sẽ “trỗi dậy” đón du khách tìm về. Và chắc hẳn rồi, một phần “chất liệu” để làm nên thành công của Mắt Biếc là cây “cô đơn” sẽ không còn “đơn côi” nữa!

Tác giả: Lê Kông

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP