Đẹp

Sự khác biệt giữa cấp ẩm và khóa ẩm trong quy trình chăm sóc da

Cấp ẩm và khóa ẩm cùng có tác dụng giúp cho làn da trở nên căng mọng nên nhiều người nhầm lẫn đều là dưỡng ẩm, tuy nhiên đây là hai bước chăm sóc da riêng biệt và cần thiết trong quy trình skincare.

Cấp ẩm và khóa ẩm đều cần thiết cho mọi loại da. (Ảnh: iStock)

Nếu bạn nghĩ rằng cấp ẩm và khóa ẩm trong quy trình chăm sóc da là như nhau thì bạn không phải là người duy nhất nhầm lẫn.

Cấp ẩm (hydrating) và khóa ẩm (moisturizing) đều có tác dụng giúp cho làn da trở nên căng mọng và mềm mượt nên nhiều người đồng nhất đó chỉ là một bước dưỡng ẩm. Tuy nhiên, thực tế đây là hai bước chăm sóc da riêng biệt và cần thiết trong mọi quy trình skincare bất kỳ.

Chính vì sự nhầm lẫn này mà đôi khi việc chăm sóc da không mang lại hiệu quả như ý muốn khi làn da không được dưỡng ẩm đủ do thiếu một trong hai bước trên.

Vậy sự khác biệt giữa cấp ẩm và khóa ẩm cụ thể là như thế nào? Hãy đọc tiếp để hiểu rõ và giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt về nhu cầu của làn da.

Làn da cần độ ẩm như thế nào?

Da chứa 64% là nước nên các tế bào da của bạn cần đủ lượng H2O để hoạt động bình thường. Thiếu nước, làn da của bạn sẽ khô và xỉn màu, các lỗ chân lông nở to và các nếp nhăn trở nên rõ ràng hơn.

Thiếu độ ẩm trong một thời gian dài sẽ khiến da mất đi khả năng đàn hồi và đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

Việc uống 2 lít nước hằng ngày không đủ để duy trì độ ẩm cho làn da bởi chỉ một phần nhỏ trong số đó được chuyển hóa đến làn da của bạn và thực sự không thể giải quyết tình trạng da khô. Do đó, để giữ được làn da tươi trẻ, ngoài việc uống đủ nước, bạn cần cấp ẩm và giữ ẩm cho da bằng các sản phẩm bôi thoa.

Sự khác biệt giữa cấp ẩm và khóa ẩm

Những sản phẩm cung cấp nước cho da được gọi là cấp ẩm, trong khi khóa ẩm dùng để chỉ những sản phẩm có tác dụng tạo thành lớp màng chắn bảo vệ và giữ ẩm cho da để độ ẩm trên da không bị mất đi.

Cấp ẩm (Hydrating)

Chất cấp ẩm thường là các thành phần gốc nước, có dạng lỏng như xịt khoáng hay sữa dưỡng (emulsion), thẩm thấu nhanh và không gây nhờn rít trên da.

Chất cấp ẩm thường là thành phần gốc nước có dạng lỏng. (Ảnh: iStock)

Các sản phẩm này thường chứa những thành phần hút ẩm từ môi trường bên ngoài, như Butylene glycol, Hydrolyzed glycosaminoglycan, Glycerin, Hyaluronic acid, Propylene glycol, Sorbitol, Sodium hyaluronate, Lactic acid … để cung cấp thêm độ ẩm cho da của bạn, khiến làn da căng mọng tức thì.

Tuy nhiên, kể cả sau khi cấp ẩm, làn da sẽ vẫn tiếp tục bị mất nước, vì vậy phải có bước tiếp theo là khóa ẩm, giúp củng cố hàng rào lipid của da để hạn chế nước thoát ra khỏi da.

Khóa ẩm (Moisturizing)

Khóa ẩm là việc bạn dùng các sản phẩm có dạng kem đặc hơn, có chứa các thành phần hút ẩm từ môi trường bên ngoài kết hợp với các chất làm mềm da như Ceramides, Fatty acids, Alpha tocopherol, Tocotrienols, Tocopheryl acetate, Tocopheryl linoleate, Tocopherol, Tocopheryl succinate (các chất thuộc nhóm vitamin E)… và các chất khóa ẩm như lanolin, petrolatum, dimethicone…

Cơ chế hoạt động của chất khóa ẩm dựa trên việc tạo ra một lớp rào cản giữa da và không khí, mang lại hai ưu điểm quan trọng. Đầu tiên, chúng giữ nước bên trong da, và thứ hai, ngăn chặn sự xâm nhập của các chất gây kích ứng, dị ứng và tác nhân có hại vào da.

Cách kết hợp hai bước cấp ẩm và khóa ẩm hiệu quả

Sự cân bằng giữa hai bước cấp ẩm và khóa ẩm quan trọng đối với mọi loại da, nhưng tùy từng vào loại da và tình trạng da sẽ có cách dưỡng khác nhau.

Với da khô, không chỉ luôn thiếu ẩm mà khả năng giữ nước cũng rất kém, vì vậy, sau bước cấp nước thì rất nhất thiết phải có một lớp khóa ẩm dày.

Với da khô nên khóa ẩm bằng một lớp kem dày. (Ảnh: iStock)

Hãy sử dụng các loại dưỡng ẩm dạng kem hoặc dầu dưỡng như dầu quả bơ, dầu argan, dầu nụ tầm xuân…

Đối với da dầu, tuy có thể duy trì lượng nước trên da lâu hơn nhưng không có nghĩa là da không bị mất nước. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm cấp ẩm dạng lỏng như serum, ampoule, sau đó khóa ẩm bằng một lớp gel dưỡng mỏng có các thành phần giữ ẩm như trên./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP