Trao đổi với báo chí, PGS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH cho biết, dự thảo lần này cũng đã giải quyết được khá tốt, khá nhiều vấn đề đang gây ra những điểm nghẽn để phát triển GD ĐH, đã tháo gỡ được những cái nút thắt rất cơ bản mà giáo dục đại học phải làm.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, sẽ rất khó để giải quyết triệt để, toàn diện những vướng mắc, bất cập trong Luật GD ĐH sửa đổi bổ sung lần này. Ban soạn thảo, Tổ biên tập chúng tôi đã nhận diện và gỡ 3 vướng mắc chủ yếu liên quan đến CSGD ĐH ngoài công lập đó là Quản trị GD ĐH tư thục. Theo đó, dự thảo lần này đã bỏ những quy định về việc đại diện của chính quyền địa phương tham gia vào hội đồng quản trị.
Về việc tài sản tích luỹ được trong quá trình hoạt động của CSGD ĐH sẽ trở thành tài khoản chung hợp nhất không phân chia của các CSGD ĐH, dự thảo Luật GD ĐH lần này đã sửa đổi những quy định này theo hướng: chỉ những tài sản có nguồn gốc từ việc được viện trợ, hiến tặng, cho nhà trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia…
Ngoài ra, các CSGD ĐH được tự vận hành, thực hiện chức năng quản lý đào tạo của mình và miễn là làm sao tuân thủ đúng chuẩn do nhà nước quy định.
PGS Lan Anh cho rằng, đây là cách tiếp cận rất mở, tiến bộ phù hợp với thông lệ quốc tế, và chúng ta có thể kỳ vọng Luật sẽ tạo ra một cú huých mới trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo của các CSGD ĐH.
Bởi lẽ, khi được trao quyền tự chủ quản lý, đào tạo, các CSGD ĐH được tự quyết định rất nhiều vấn đề, trong đó có cả việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình, cũng như là cách thức tổ chức quản lý đào tạo, thậm chí là được tự cấp bằng.
Một trường ĐH muốn tự chủ thực sự thì phải đảm bảo kiềng 3 chân tự chủ: Tài chính – nhân sự - học thuật. |
Phải có hành lang pháp lý rõ ràng cho tự chủ
PGS Vũ Thị Lan Anh, cho biết, để có thể thực hiện được tự chủ ĐH thì cần phải có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng. Luật hiện hành cũng đã có những quy định nhằm tạo, cơ chế, hành lang pháp lý về tự chủ ĐH. Tuy nhiên, những quy định này chưa thấu đáo và đặc biệt nhiều điều khoản về tự chủ đang bị vướng rất nhiều bởi sự chồng chép trong quy định của các luật khác có liên quan.
Bà Lan Anh đưa ví dụ về Luật đầu tư công, Luật quản lí sử dụng tài sản công, hay thậm chí là Luật viên chức. Những quy định trong các Luật này đang gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tài sản trong các cơ sở GD ĐH công lập tự chủ, tự chủ trong bổ nhiệm, tuyển dụng và chi trả chế độ cho cán bộ nhân viên trong trường ĐH.
Trong dự thảo Luật đã có quy định về việc tự chủ trong các hoạt động chuyên môn cho phép các CSGD Đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo, tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo, tự chủ trong việc liên kết đào tạo ở trong nước cũng như là quốc tế, tự chủ trong hợp tác quốc tế và trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Về tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự, dự thảo cũng có rất nhiều nhiều điều khoản được sửa đổi bổ sung theo hướng thông thoáng và cởi mở hơn.
Bà Lan Anh cho biết, những quy định tạo hành lang pháp lý để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về bộ máy tổ chức như: Hội đồng trường (HĐT) có thực quyền quyết định về vấn đề tổ chức bộ máy, về nhân sự (hiệu trưởng) để trình cơ quan quản lý công nhận.
Hiệu trưởng các trường Đại học tư thục thì hoàn toàn là do Hội đồng quản trị quyết định mà không cần phải có sự công nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân việc tổ chức bộ máy này cũng có liên quan đến chính sách thứ hai đó là chính sách đổi mới quản trị ĐH.
Dự thảo Luật cũng cho phép các CSGD được tự chủ trong vấn đề tuyển dụng cán bộ giảng viên, được phép đặt ra tiêu chuẩn đối với giảng viên, với các chức danh quản lý cao hơn so với các quy định mà pháp luật quy định.
Tự chủ phải đảm bảo kiềng 3 chân: Tài chính – nhân sự - học thuật.
Về vấn đề tự chủ về tài chính, bà Lan Anh cho rằng, đây cũng là nội dung rất quan trọng được đề xuất sửa đổi bổ sung trong Luật. Một trường ĐH muốn tự chủ thực sự thì phải đảm bảo kiềng 3 chân tự chủ: Tài chính – nhân sự - học thuật.
Dự thảo lần này cũng đã có các quy định tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình vận hành các CSGD ĐH liên quan đến nội dung, quyền quyết định về tài chính, tài sản.
Theo Luật hiện hành, dù cho phép CSGD ĐH được tự quyết định về việc thu học phí, mức thu học phí, nhưng mức chi từ nguồn này vẫn bị giới hạn do quy định của Luật ngân sách, với những nguồn thu từ ngân sách nhà nước thì nhà nước sẽ phải quy định khung, giá và mức giá, còn đối với những nguồn thu học phí không xuất phát từ ngân sách nhà nước CSGD ĐH được tự quyết định.
Dự thảo Luật mới cho phép, với những khoản chi từ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải chịu sự khống chế theo quy định của Luật ngân sách cũng như các quy định có liên quan liên quan đến vấn đề vốn nhà nước và quản lí tài sản nhà nước.
Đối với những nguồn vốn do CSGD đại học tự huy động được (từ nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách, gồm cả học phí) thì các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định. Đây là một quyết định quan trọng giúp cho các CSGD ĐH tăng quyền tự chủ về mặt tài chính.
Phân định chức năng giữa quản trị và quản lý
PGS Lan Anh cho rằng, điểm nổi bật nữa của Luật GD ĐH lần này là về đổi mới quản trị đại học.
Đây là một điểm mới rất quan trọng của Luật giáo dục ĐH. Thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới quản lý GD ĐH, dự thảo đã chỉ rõ và có sự phân định chức năng giữa quản trị và quản lý CSGD ĐH.
Cụ thể, chức năng quản trị cơ CSGD ĐH thuộc về Hội đồng trường, Hội đồng quản trị đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng trường hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Chức năng quản lý thì thuộc về bộ máy quản lý của nhà trường, đứng đầu là Hiệu trưởng. Khi đó, HĐT, HĐQT sẽ có sứ mệnh xây dựng chiến lược, quyết sách lớn về định hướng phát triển, tài chính vĩ mô để phát triển CSGD ĐH, thông qua các quyết định, các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính tức là các nền tảng quan trọng nhất đối với cơ sở giáo dục đại học.
Trên cơ sở những định hướng, quyết sách đó, bộ máy quản lý do Hiệu trưởng đứng đầu sẽ đảm nhiệm chức năng quản lí, điều hành các hoạt động của CSGD ĐH theo các quy định của pháp luật, quy định của quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường và theo quyết định của HĐT.
Và đặc biệt, HĐT, HĐQT sẽ có quyền lựa chọn và tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao như Hiệu trưởng. Như vậy, vai trò quản trị và quản lí trong ĐH đã được phân định rất rõ ràng.
Hoàn thiện thiết chế cho Hội đồng trường
Bà Lan Anh cho biết, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung rất cơ bản nhiều điều khoản để tạo thực quyền cho Hội đồng trường công lập nhằm thực hiện tự chủ về quản trị ĐH.
Hiện nay, cũng chỉ mới có 23/170 cơ sở CSĐT ĐH công lập triển khai thí điểm thực hiện tự chủ theo nghị quyết 77-NQ/CP, song trong quá trình thí điểm, họ vẫn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách.
Chính vì thế mà luật giáo dục đại học phải có nhiệm vụ thể chế hóa và tạo cơ chế thông thoáng cho các trường đã tự chủ rồi cũng như khuyến khích các trường chưa tự chủ, bắt buộc các trường chưa tự chủ phải triển khai tự chủ ĐH.
Tuy nhiên, để tự chủ đại học thì việc quan trọng nhất là các trường ĐH phải có một bộ máy quản trị hiệu quả, với các trường công lập chính là “Hội đồng trường”.
Thời gian qua, tại 23 ĐH tự chủ thí điểm, Hội đồng trường chưa có thực quyền, chưa phát huy hết được vai trò, vị trí nên mới có 1/3 trong tổng số 23 trường ĐH có HĐT. Nhưng, ngay tại các trường đã thành lập được hội đồng trường thì vai trò của HĐT rất mờ nhạt, chưa chứng tỏ được vai trò quản trị của mình.
Đơn cử như, có trường đưa cán bộ quản lí cấp phòng – là cấp dưới của hiệu trưởng - lên làm chủ tịch HĐT để chỉ đạo lại hiệu trưởng. HĐT tại một số nơi đang có sự tham gia của tất cả các thành viên BGH, đại diện các phòng ban.
Nhiệm vụ, hoạt động của HĐT chủ yếu có tính chất tham mưu cho Hiệu trưởng, trong khi đó lẽ ra HĐT phải nắm vai trò quản trị, chỉ đạo Hiệu trưởng để Hiệu trưởng làm tốt công tác quản lí CSGD ĐH.
Với cơ chế của Luật hiện hành, HĐT dường như là 1 thiết chế nối dài của BGH, tức là giống như BGH mở rộng chứ chưa phải là cơ quan quyền lực cao nhất quyết nghị những vấn đề, chính sách vĩ mô của một CSĐT ĐH. Chính vì thế vấn đề hoàn thiện thiết chế HĐT trong các ĐH công lập tự chủ là rất quan trọng. Dự thảo lần này đã làm được điều đó tương đối tốt.
Cụ thể: Sửa đổi điều 16 về HĐT, điều 17 về HĐQT. Với việc sửa đổi bổ sung 2 điều này, Dự thảo Luật ĐH đã tạo nên hành lang pháp lý khá tốt cho việc tổ chức quản trị CSGD ĐH.
Cụ thể là HĐT được trao thực quyền rất lớn trong việc xây dựng các chính sách định hướng cho nhà trường, ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của trường, quyết định nhân sự hiệu trưởng để trình cơ quan quản lí có thẩm quyền công nhận.
“Những quyền, những quy định rất cụ thể để trao thực quyền cho HĐT và tôi cũng rất kì vọng rằng với sửa đổi bổ sung luật GD ĐH lần này thì HĐT sẽ thực sự trở thành 1 thiết chế có hiệu quả, thực hiện chức năng quản trị nhà trường” – bà Lan Anh nhấn mạnh.
Tác giả: Hồng Hạnh (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí