Thế giới

Thái Lan đối mặt kịch bản "tồi tệ nhất" sau chuỗi ngày chết chóc kỷ lục

Giới chức Thái Lan cảnh báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày có thể lên tới 30.000 người, kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Thái Lan (Ảnh: Reuters).

ngày 19/7 ghi nhận thêm 11.784 ca mắc Covid-19, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ cao chưa từng có. Cùng ngày, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 81 ca tử vong vì Covid-19.

Tính đến nay, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Thái Lan đã lên tới hơn 3.400 ca và số ca nhiễm cũng vượt 415.000 ca, với hầu hết ca nhiễm được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4.

Trong những tuần qua, Thái Lan liên tục trải qua những ngày chết chóc chưa từng có, một phần do sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm nhanh.

Trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong ngày càng tăng, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) đã cảnh báo một kịch bản u tối về tình hình dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á, cho rằng Thái Lan có thể ghi nhận 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. CCSA kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ để tránh "kịch bản tồi tệ nhất" này.

Trong cuộc họp báo ngày 19/7, người phát ngôn của nhóm chuyên trách Covid-19 Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

"Số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày có thể vượt mức 30.000 nếu người dân không tuân thủ biện pháp hạn chế. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng ta đã chứng kiến hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày suốt nhiều ngày qua và chúng tôi muốn con số này giảm xuống. Nhưng không ai có thể hành động một mình, tất cả mọi người cần góp sức", ông Wisanuyothin nói.

Thắt chặt phong tỏa Bangkok và 12 tỉnh

Chính phủ Thái Lan ngày 18/7 đã công bố các biện pháp thắt chặt phong tỏa ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, được xếp vào "vùng đỏ đậm", trong đó đình chỉ hầu hết các chuyến bay trong nước và mở rộng các khu vực giới nghiêm.

Các chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và 12 tỉnh trên sẽ bị tạm dừng từ ngày 21/7, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm các tình huống khẩn cấp và phục vụ mục đích y tế.

Ông Taweesin cho biết nhiều chốt kiểm soát sẽ được thiết lập trong "vùng đỏ đậm" và người dân muốn rời khu vực này sẽ phải đăng ký, khiến việc đi lại "rất bất tiện". CCSA nói rằng người dân có thể đăng ký trực tuyến và sẽ được cấp mã QR nếu được chấp thuận, tuy nhiên CCSA không khuyến khích việc đi lại như vậy.

Các nhà chức trách Thái Lan cũng thông báo, bắt đầu từ ngày 20/7, nhiều cửa hàng hơn, bao gồm cả ngân hàng nằm trong trung tâm thương mại, sẽ đóng cửa và phương tiện giao thông công cộng sẽ chỉ hoạt động tối đa nửa công suất.

Hệ thống y tế Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu quá tải và các quan chức cảnh báo dịch có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Do thiếu giường bệnh trầm trọng, các nhà chức trách đã cho phép bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà và các trung tâm cộng đồng.

Trong khi Thái Lan đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch kéo dài nhất, cho đến nay mới chỉ có 3,4 triệu người trong tổng số hơn 66 triệu dân Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ.

Tuần trước, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch mua 120 triệu liều vắc xin bổ sung, ngoài 105,5 triệu liều dự kiến mua trong năm nay.

Các nhà chức trách cũng đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung vắc xin dồi dào hơn. Thái Lan cho biết hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech sẽ sớm được ký kết, với đơn đặt hàng thêm 50 triệu liều đang được xem xét.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP