Tin trong tỉnh

Tham vọng trở thành trung tâm thương mại, công nghiệp, tỉnh nghèo huy động 1.650 nghìn tỷ cho phát triển

Tỉnh này nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế.

* Nghệ An đặt tham vọng trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ...

* Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, GRDP đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 26 cả nước.

Nghệ An sẽ trở thành tỉnh khá của cả nước

Ngày 11/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 625/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch gồm 3 nhóm nội dung, gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; Triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt, theo kế hoạch, về kinh tế, đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5 - 11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 42,0 - 42,5%; dịch vụ chiếm 39,0 - 39,5%; nông, lâm, thuỷ sản chiếm 13,5 - 14,0% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5 - 5,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP.

Và để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 10,5 - 11,0%, Nghệ An dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 có tổng số vốn là 560 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 7,6% (tương đương 42,6 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 0,1 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 11,7% (tương đương 65,5 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 36,6% (tương đương 205,0 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 43,9% (tương đương 245,8 nghìn tỷ đồng).

Giai đoạn 2026 - 2030 có tổng số vốn là 1.090 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 5,6% (tương đương 61,0 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 2,2 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 12,1% (tương đương 131,8 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 39,5% (tương đương 430,6 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 42,7% (tương đương 465,4 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, cơ cấu vốn của thời kỳ 2021 - 2030 gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 6,3% (tương đương 103,6 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 3,3 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 11,9% (tương đương 197,3 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 38,4% (tương đương 635,6 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 43,2% (tương đương 710,2 nghìn tỷ đồng).

Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Thực trạng kinh tế - xã hội của Nghệ An

Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Nghệ An cơ vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc Nam và Đông Tây; với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế.

Nghệ An đang phát triển trở thành thành động lực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. Trong 2 năm liên tiếp, 2022 - 2023, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước.

Khu du lịch sinh thái Phà Lài là địa danh thuộc làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NAPC

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%, khu vực xây dựng - công nghiệp ước tăng 9,95%, khu vực dịch vụ ước tăng 5,85%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,03%, tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ ước đạt 76.146,1 tỷ đồng, tăng 37,24%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3505 triệu USD, tăng 22,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% theo dự toán, bằng 140,2% so với 6 tháng đầu năm 2023, vượt kịch bản đề ra 8.615 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/6/2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 39 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14.294,3 tỷ đồng. Điều chỉnh 77 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 21 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư tăng 2.627,6 tỷ đồng. Tổng vốn cấp mới và điều chính là 16.921,9 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư cấp mới gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm 2024 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.300 người, ước đạt 64,47% kế hoạch, tăng 12,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả: Pha Lê

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP