Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Sách giáo khoa có bài tập là theo Nghị quyết của Quốc hội

Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sách giáo khoa có thiết kế bài tập để học sinh viết trực tiếp vào trong sách là… thực hiện Nghị quyết 40 ban hành năm 2000 của Quốc hội…

Trong hai ngày 9, 10/10, UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (dự kiến sẽ bắt đầu từ 22/10). Cuộc họp thẩm tra có sự tham dự của đại diện các cơ quan của Quốc hội và Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội.

Đề cập đến những bức xúc trong lĩnh vực giáo dục, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phản ánh là cử tri nói nhiều đến sách giáo khoa (SGK) sử dụng một lần.

Đây cũng là vấn đề được một số vị ủy viên UB Thường vụ Quốc hội nêu khá gay gắt trong một số cuộc họp gần đây của cơ quan này.

Khi thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri phản đối việc sử dụng SGK một lần vì cho rằng rất lãng phí. Ví dụ năm 2018-2019 Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK. 100 triệu bản này sang năm hoàn toàn không được sử dụng mà nếu có thì là bán đồng nát. Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ để mua SGK.

Trong phiên họp tháng 9/2018, khi UB Thường vụ Quốc hội xem xét toàn cảnh "bức tranh" hậu chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng yêu cầu làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản SGK. Tính ra một năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được.

Sách giáo khoa tiểu học có nhiều nội dung bài tập để học sinh viết trực tiếp vào sách

Khi đó, chìa ra cuốn SGK lớp 1 với nhiều phần bài tập được thiết kế để học sinh viết trực tiếp bài giải vào sách, bà Lê Thị Nga đã chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về sự lãng phí của xã hội cả ngàn tỷ đồng mỗi năm vì việc làm SGK để không thể tái sử dụng như vậy. Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề cập tình trạng độc quyền của NXB Giáo dục trong việc in ấn, phát hành SGK.

“Tại sao bây giờ một bộ sách không thể năm nay anh học, năm sau em học như trước. Cũng là quyển toán lớp 1 nhưng thời trước đi học thì có vở bài tập riêng, còn bây giờ ghi luôn là luyện tập trung vào SGK, nối đồng hồ với các ô thích hợp, kẻ thêm một đoạn thẳng để có một hình vuông hay hình tam giác... thì đương nhiên lớp sau không dùng được” - bà Lê Thị Nga nói.

Bà Nga đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm rõ lý do vì sao để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng vào việc mua sách sau đó đến năm sau không dùng được nữa.

Sau khi có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngày 21/9, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm của Bộ GD-ĐT là SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể dùng lại khi cần thiết, tránh lãng phí.

Và tại phiên họp của UB Kinh tế chiều 9/10, giải thích thêm khi cơ quan thẩm tra nêu ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu: SGK mà học sinh viết vào trong sách là thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội ban hành tháng 12/2000.

Ông Độ nhấn mạnh, theo nghị quyết này, Bộ GD-ĐT chính thức biên soạn bộ sách theo yêu cầu của Quốc hội về đổi mới chương trình phổ thông và khi đó làm cuốn sách mới phiên bản năm 2002.

Thứ trưởng Độ cũng cho biết, nhóm tác giả biên soạn SGK đã thực hiện kết luận đổi mới, muốn giúp cho học sinh có nhiều kỹ năng đa dạng hơn nên đưa ra phần bài tập để học sinh có thể viết luôn vào sách.

Thứ trưởng GD-ĐT cũng thông tin: “Sau khi ban hành cuốn sách này, Bộ GD-ĐT cũng ra nhiều văn bản yêu cầu học sinh bảo quản để sử dụng lâu dài. Mà cũng chỉ một số bài tập theo cách điền vào ô trống hoặc viết vào trong sách chứ không phải tất cả đều điền vào ô trống”.

Nghị quyết số 40 ban hành ngày 9/12/2000 của Quốc hội có nội dung:

“Mục tiêu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải quán triệt mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học quy định trong Luật giáo dục; khắc phục những mặt còn hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Bảo đảm sự thống nhất, kế thừa và phát triển của chương trình giáo dục; tăng cường tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; thực hiện phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân để tạo sự cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực; bảo đảm sự thống nhất về chuẩn kiến thức và kỹ năng, có phương án vận dụng chương trình, sách giáo khoa phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các địa bàn khác nhau.

Đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp và đổi mới trang thiết bị dạy học, tổ chức đánh giá, thi cử, chuẩn hoá trường sở, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác quản lý giáo dục”.

Tác giả: P. Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP