Cơ hội thúc đẩy nền kinh tế
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) vào sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người sẽ nghĩ đến nơi đây là các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu tiềm năng và là công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên trong làn sóng cách mạng 4.0, sự tiến bộ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, ASEAN được biết đến là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng, chính công nghệ cao và nền kinh tế số là lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo tăng gấp 4 lần lên đến 200 tỷ USD vào năm 2025. Những cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại lợi thế và sự đột phá vô cùng lớn cho các nước ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu ấn tượng tại buổi khai mạc Diễn đàn WEF |
Theo Thủ tướng, đầu tiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn, gồm: điện tử, hóa chất dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm.
Cuộc cách mạng này cũng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc trên cơ sở ứng dụng cách mạng 4.0 tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới.
Cách mạng 4.0 cũng mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu. Giúp phát huy nâng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới.
Đặc biệt, đi tắt trong chính sách công nghiệp hóa ASEAN có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot tự động, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.
Phát biểu tại diễn đàn này, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo tin rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều công việc hơn thay vì phá hủy hay loại bỏ, trong dài hạn hay cả ngắn hạn.
Ông cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng không làm tăng bất bình đẳng mà thay vào đó giảm sự bất bình đẳng. Một khía cạnh quan trọng của công nghiệp 4.0 đó là giảm chi phí vô cùng đáng kể, cho sản phẩm và dịch vụ, khiến chúng rẻ hơn, dễ tiếp cận đối với người có thu nhập thấp.
Cũng theo Tổng thống Indonesia, công nghệ đang tạo ra hiệu suất ngày càng cao hơn, cho phép chúng ta tiết kiệm tài nguyên hơn. Nghiên cứu khoa học cho thấy nền kinh tế nhẹ nhàng hơn, mỗi nền kinh tế sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trong những năm qua. Bằng chứng là khối lượng rác thải như ti vi, sách báo, giày dép đang được thay thế bởi điện thoại, máy tính bảng… Các nhà máy điện nặng nề đang được thay thế bởi tua- bin và năng lượng mặt trời.
Tổng thống Indonesia tin rằng, ASEAN sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thách thức và những sáng kiến của Việt Nam
Mặc dù được đánh giá tiềm năng và cơ hội rất lớn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thách thức phải đối mặt cũng không hề nhỏ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thách thức của ASEAN phải đối mặt cũng rất lớn, điều nhận thấy rõ nhất, trước hết là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo số liệu 56% số việc làm ở 5 nước ASEAN có khả năng sẽ chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do đó có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nói rằng, ngược lại rất nhiều sinh kế cho người dân sẽ được xuất phát từ cách mạng 4.0.
Thách thức thứ 2, gia tăng khoảng cách về thu nhập xã hội. Cách mạng 4.0 có tiềm năng làm tăng thu nhập đối với nhiều người dân, nhiều quốc gia có tài năng, trí thức, làm tăng khoảng cách thu nhập... Là nguy cơ về bất ổn xã hội.
Từ những thách thức trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, các nước ASEAN cần đặt ra các ưu tiên chính sách của mình trên cơ sở lăng kính và cả khối.
Thủ tướng cho rằng, dữ liệu là nền tảng của cách mạng 4.0 và đề xuất cần xây dựng các quy tắc chung của ASEAN để hợp tác chia sẻ dữ liệu, nhằm điều chỉnh cách thức và điều kiện để dữ liệu có thể chia sẻ và sử dụng hiệu quả. Chú trọng phát triển ngành thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử…
Thủ tướng đề nghị cần phải xây dựng cơ chế hài hòa, môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp quy định đối với thành viên ASEAN giúp các doanh nghiệp nội khối có thể đạt được lợi thế nhờ quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn cầu. Các hạ tầng kết nối nền tảng tài chính, ngân hàng, thị trường truyền thông, logictics… cần phải hoạt động theo quy mô khu vực.
Lấy một ví dụ điển hình trong liên kết một cửa ASEAN trong lĩnh vực Hải quan được triển khai thực tế ở nhiều năm qua và tại Hội nghị lần này, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động, 1 giá cước toàn ASEAN.
Theo một báo cáo năm 2017 của Google, tình trạng thiếu kỹ sư lành nghề là 1 thách thức lớn đối với ASEAN. Thủ tướng cũng đề nghị xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia và mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực. Thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo trong thời đại 4.0, xây dựng chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN. Từ đó thúc đẩy hợp tác trí tuệ, đảm bảo an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
Ngoài ra, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời, dưới tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ về giáo dục phù hợp với xu thế phát triển mới, sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp. Thủ tướng kiến nghị hình thành kết nối mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cho biết rất vui mừng khi có trên 80 nhà khởi nghiệp tham gia, điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong tương lai. Chính phủ Việt Nam mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những hợp tác như thế để nói với toàn thế giới rằng, không khí khởi nghiệp đang thực sự lan tỏa trong ASEAN.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí