Một trong những nội dung của công điện là Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Ngoài ra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng cũng giao các đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết từng dự án, tháo gỡ khó khăn và coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Thủ tướng cho biết, hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt được kết quả khá tích cực, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Tuy nhiên, bên cạnh các bộ, cơ quan, địa phương có tốc độ giải ngân trên mức bình quân của cả nước thì còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực. Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương hơn 711.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm có 12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 35%. Có 40 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân dưới 35% (mức trung bình cả nước), trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chi giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.