Lương giảng viên đại học là bao nhiêu?
Mới đây trên mạng xã hội, một giảng viên đại học chia sẻ góc nhìn của một số người cho rằng "lương giảng viên đại học hàng trăm triệu đồng/tháng".
Lẽ dĩ nhiên, bài viết không "chỉ mặt đặt tên" giảng viên trường nào có thu nhập như vậy nhưng khiến cho rất nhiều người tò mò: Trên thực tế, có hay không việc giảng viên đại học nhận mức lương "khủng" như lời đồn thổi?
Nhìn nhận về vấn đề này, một số hiệu trưởng trường đại học lớn cho rằng lương giảng viên trăm triệu là "hoang đường". Có chăng, có thể có giảng viên thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng chắc chắn rất hy hữu mới có người như vậy.
Thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên ở cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay (Nguồn: Thống kê của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tự chủ về GD đại học 8/2022). |
Cụ thể, có thể đó là những giảng viên thực hiện cùng lúc rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, có công ty riêng hoặc làm thêm các dự án khác sau khi hoàn thành hết công việc ở trường... Nhưng bằng các nguồn này thì chỉ có thể gọi chung là "thu nhập" của giảng viên bởi nó nằm ngoài lương cơ bản.
Chia sẻ với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phải thốt lên: "Lương giảng viên ở đâu hàng trăm triệu đồng/tháng vậy? Thật khâm phục!".
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, lương ở khối trường đại học công lập ở đâu cũng giống nhau, nghĩa là họ được trả theo ngạch bậc.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận xét: "Lương của giảng viên trường công lập mà hàng trăm triệu đồng/tháng thì ngưỡng mộ quá. Có lẽ ở nước ngoài cũng chỉ mới đạt được mức như vậy".
Theo hiệu trưởng này, lương của giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội được tính theo ngạch bậc (lương 1) cộng với lương giảng dạy (lương 2).
Chẳng hạn đối với giảng viên trình độ tiến sĩ, lương theo hệ số sẽ được khoảng 8 triệu đồng/tháng; cộng thêm lương giảng dạy sẽ thêm khoảng 15 triệu đồng nữa. Tổng cộng thu nhập của giảng viên này khoảng 23 triệu đồng/tháng.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng chia sẻ, hiện nay chưa có chế độ cải cách tiền lương cho giảng viên đại học nên về cơ bản lương cứng của khối trường đại học công lập vẫn phải chi theo quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, giảng viên đại học không thể có mức lương hàng trăm triệu đồng/tháng, trừ trường hợp người đó vô cùng đặc biệt hoặc ở khối trường ngoài công lập, hoặc có công trình khoa học "khủng" được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và kinh doanh có lãi.
"Việc trả lương cao vượt hẳn khỏi ngạch bậc chỉ có ở khối trường ngoài công lập.
Các trường công lập chi lương giảng viên theo quy định, hàng năm có kiểm toán, bị kiểm soát bởi các văn bản Nhà nước nên không thể vượt quá mức quy định", thầy Tuấn nói.
Riêng với Trường ĐH Ngoại Thương, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết, mức lương của nhà trường đã thuộc diện cao so với mặt bằng các trường khác nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức từ 8-30 triệu đồng/tháng, tùy theo thâm niên và vị trí công tác.
Chẳng hạn với giảng viên mới ra trường, thu nhập sẽ thấp hơn, khoảng 8 triệu đồng/tháng, bởi bậc lương của họ đang thấp và chưa có kinh nghiệm nên chưa được mời giảng dạy thêm ở bên ngoài.
Giảng viên có công trình khoa học được chuyển giao cho doanh nghiệp và kinh doanh có lãi sẽ có thu nhập hàng tháng cao hơn (Ảnh: Đ. Ngọc). |
Thêm thu nhập nhờ công việc ngoài giờ
Chia sẻ với PV Dân trí, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương Bùi Anh Tuấn nói rằng, nếu gọi "thu nhập" có lẽ phù hợp hơn bởi ngoài lương, giảng viên có thể làm thêm ở bên ngoài sau khi đã đảm bảo công việc ở nhà trường theo đúng quy định.
Cụ thể, ngoài lương cứng, giảng viên đó có thu nhập vì dạy vượt giờ, có nghiên cứu đề tài khoa học, có công trình nghiên cứu được chuyển giao và kinh doanh có lãi…
Với những giảng viên này, mức thu nhập cao hơn nhưng không chắc người đó có đủ hàng trăm triệu/tháng như đồn thổi hay không", PGS Bùi Anh Tuấn băn khoăn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương cũng cho rằng: "Mức lương hàng trăm triệu đồng/tháng đối với giảng viên đại học tôi nghĩ là vô cùng ít, bởi thứ nhất người đó phải giỏi, có chuyên môn, được mời giảng bên ngoài, có công trình khoa học kỹ thuật chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, hoặc có khả năng kinh doanh, còn giảng viên thông thường thì không thể".
Đồng tình với cách nhìn nhận này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết: "ĐH Bách khoa Hà Nội đảm bảo mức lương vừa phải nhất định cho người lao động.
Nếu muốn làm giàu, tôi nghĩ họ không đi theo con đường giảng dạy mà đi làm doanh nghiệp, làm kinh doanh hoặc một số lĩnh vực khác.
Một khi chọn nghề giáo, có lẽ các giảng viên đã có định hướng cho con đường mình sẽ đi".
Theo đó, ngoài việc giảng dạy, đội ngũ này cũng có thể làm một số công việc bên ngoài phù hợp với chuyên môn để tăng thêm thu nhập, sau khi họ đáp ứng đủ giờ giấc làm việc ở trường theo đúng quy định.
Thứ nhất ngoài lương giảng dạy, giảng viên đó có thể có đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, khối trường khoa học kỹ thuật thì có tiền chuyển giao đề tài khoa học công nghệ cho doanh nghiệp hoặc làm thêm công việc bên ngoài phù hợp với chuyên môn.
"Chúng tôi khuyến khích điều này bởi giảng viên sẽ có thêm kiến thức của đời sống, doanh nghiệp để đưa vào bài giảng, có mối liên hệ và cầu nối với doanh nghiệp trong đào tạo", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí