Cuộc sống

Thương nhớ Tết mùa xưa

Tháng Mười hai về kéo theo những hanh hao vồi vội cuối năm. “Tết đến sau lưng” là câu nói mẹ tôi thường dùng chỉ cái rộn rã, quýnh quáng hoàn tất những công việc năm cũ để đón một năm mới ấm áp, an lành “bằng chị, bằng em” như bao gia đình Việt thuở ấy…

Thương nhớ Tết xưa. Ảnh: Quốc Đàn

Tết nhà nghèo, mẹ lo từ giữa năm. Gạo nếp, đậu xanh, đường,… mẹ gom góp mỗi tháng một ít. Bảy đứa con là bảy bộ đồ mới xúng xính lúc xuân về, không thể may một lần trong tháng Chạp. Thời ấy, vải mua theo phiếu và chẳng bao giờ đủ cho cái lũ mài mòn đũng quần, te tua đầu gối vì những trò nghịch như quỷ sứ của năm đứa em trai tôi. Đi chợ, bắt gặp người bán những mảnh vải lẻ là mẹ phải mua ngay, miệng lẩm nhẩm tính toán “miếng vải xanh này đủ 2 cái quần cho Tiến, Hùng, miếng vải hoa để may áo cho cái Nguyệt…”. Thế rồi, mẹ mua dần từng thứ một để dành gần Tết mang đi may cho các con. Hồi nhỏ, tôi không hiểu sao Tết lại nhất định phải mặc đồ mới. Phải chăng đó là mong mỏi của bố mẹ rằng một năm mới đến, mọi sự sẽ đổi thay, cuộc sống sẽ giàu đẹp lên, tươi rạng như những khuôn mặt trẻ khi khoác lên mình bộ quần áo mới. May đồ mới cho các con còn bố mẹ thì quanh năm vẫn hai bộ cũ kỹ. Bố tôi thường mặc áo màu xanh hòa bình và quần ka ki màu xanh công nhân. Mẹ tôi thì quần lụa đen và áo màu nâu sẫm (quê tôi gọi là màu gụ). Mẹ có một cái áo phin nõn trắng chỉ mặc vào những dịp đặc biệt và hình như suốt những năm tuổi thơ tôi thấy mẹ không may thêm cái áo trắng nào. Nhà nghèo, lo đủ cái ăn cái mặc cho con cái quanh năm đã là một gánh nặng. Tết về, bao nhiêu thứ phải chi tiêu mua sắm, khuôn mặt của bố mẹ tôi thường đăm chiêu tính toán, hình như hằn thêm nhiều nếp nhăn. Là chị cả của một bầy em lít nhít, tôi cũng sớm “nhiễm” cái sự lo toan, tần tảo của mẹ. Những ngày giáp Tết được nghỉ học, phụ mẹ bán hàng, rồi dọn nhà, giặt toàn bộ chăn màn, chùi đánh đồ thờ, tôi cũng “quay như chong chóng” với bao việc ngổn ngang, mong ngày đón năm mới cả gia đình được sống trong không khí thảnh thơi, no đủ, ấm áp.

Phiên chợ Vinh ngày giáp Tết lúc nào cũng đông vui, tấp nập. Tiếng mặc cả, tiếng cười nói xôn xao, tay bắt mặt mừng của những người bận rộn công việc quanh năm giờ gặp nhau trong dịp đi sắm Tết. Góc này là những cành đào tươi thắm, những cái bàn chất đầy bánh pháo đỏ hồng, góc kia là những bó lá dong nằm ngồn ngộn tươi xanh như còn vương không khí của miền rừng núi đưa về phố thị. Bố tôi thường mua lá dong một tuần trước Tết để về róc cuống, rửa sạch và bó vào cột nhà cho thẳng thớm. Rửa lá dong là việc của tôi vì bố biết tính tôi sạch sẽ, cẩn thận nên không sợ làm rách lá. Mẹ tôi thường nhắc: “Bánh chưng ngon một phần do lá sạch” nên con bé gầy còm là tôi luôn cố gắng miết đi miết lại từng chiếc lá và thay nước liên tục dù phải kéo từng gầu nước từ giếng khơi lên, run rẩy và lạnh cóng trong tiết mưa phùn cùng gió mùa đông bắc. Sáng Hai chín tháng Chạp, nhà tôi bắt đầu gói bánh. Mẹ vo gạo nếp, đồ đậu xanh chín nắm thành từng nắm, thịt lợn thái miếng to ướp tiêu hành thơm phức. Bố ngồi trên tấm phản, xung quanh là lá dong, lạt buộc, rá nếp, khay đậu xanh, thịt. Cả lũ con vây quanh hau háu nhìn và hít hà hương thơm của thịt, của đậu. Mẹ nhắc: “Bánh chưng gói cúng ông bà phải sạch sẽ, tinh khiết, các con không được ngửi, không được nếm hay sờ tay vào nghe chưa!” Tất nhiên, chẳng đứa nào dám sờ tay và nếm nhưng ngửi và thèm thuồng thì mẹ làm sao cấm được. Quanh năm bữa ăn nhà nghèo chỉ có tương cà, rau mắm; cá thịt thì phải chia phần mỗi bát cơm một miếng, chỉ mong đến Tết để được ăn thoải mái một chút sao mà không náo nức mong chờ. Bánh chưng bắc lên luộc tầm quá trưa một tí, bánh phải luộc 11 tiếng đồng hồ mới “rền” và để được lâu. Tôi thường cời than của bếp củi nấu bánh ra bắc chảo làm mứt. Thời đó, hình như cái gì cũng “tự cung tự cấp” nên các cô gái rất bận rộn với các món Tết: Nào tỉa củ quả làm dưa món, nào làm mứt, muối dưa hành… Tôi được cô ruột dạy làm mứt từ rất sớm. Mười tuổi trở lên là năm nào cũng phải làm đủ các loại mứt để tiếp khách. Mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, cà rốt, mứt lạc… mỗi thứ một ít để khi khách đến chúc Tết có chén trà thơm và đĩa mứt ngọt ngào thể hiện sự hiếu khách của gia chủ và cũng là cách “khoe” sự khéo tay của con gái.

Mâm cúng tất niên chiều 30 tháng Chạp với đầy đủ gà luộc, giò, chả, nem, măng, miến… luôn được lũ trẻ chúng tôi thắc thỏm trông chờ từ lúc tiếng dao thớt rộn rã trong bếp đến lúc khói hương trầm thơm ngát và tiếng ông nội ngân nga đọc văn tế trước bàn thờ. Nhìn các con xúm xít bên mâm cơm ngày Tết, bố mẹ tôi mỉm cười mãn nguyện, dường như những lo toan vất vả, cực nhọc trong năm cũng vơi dần theo tiếng cười con trẻ. Bao năm rồi, bố tôi đã đi xa mà mỗi bữa cơm tất niên tôi vẫn như còn thấy ông ngồi đó với nụ cười ấm áp nhắc các con: “Ăn từ từ thôi, bữa nay không phải chia phần, các con muốn ăn gì cứ gắp.”

Những mùa xuân ngày xưa nghèo đói mà thấm đẫm tình người cứ mãi trở trăn trong dòng hồi ức dẫu bao năm tháng đã trôi qua. Nếu ví đời người như sự luân chuyển của bốn mùa thì giờ đây tuổi chúng tôi cũng đã chớm đông. Nhiều cái Tết đủ đầy, sung túc, chuyện áo cơm không còn là nỗi lo thường nhật như bố mẹ ngày xưa, tôi nhớ thương bố đến thắt lòng vì ông chưa được hưởng một ngày sung sướng khi các con thành đạt. Những đứa con khi xưa ông quần quật kiếm tiền để lo cho chúng ăn học, mong rằng đời chúng không gian nan vất vả như đời ông, nay đã có nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, đi du lịch bốn phương trời… thì bố không còn để báo đáp công ơn dưỡng dục. Tết bây giờ chẳng khác ngày thường là bao vì quanh năm đều có thể ăn những món Tết. Hình ảnh những cô gái cặm cụi tỉa rau củ, làm mứt chuẩn bị các món ăn ngày Tết cũng chẳng bao giờ còn thấy trong thời đại “chuyên môn hóa” cái gì cũng có thể mua từ siêu thị. Mưa bụi lây phây, mùi pháo thơm ngõ nhỏ, cành đào khoe sắc thắm, nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa nhỏ ngày đông đã xa thật xa, khiến mỗi lúc nhớ về mắt ta chợt rưng rưng…

Ngày xuân sắp về! Ký ức cũng theo về đưa ta trở lại một miền quê – nơi mùa hạ nóng như đổ lửa với những trận gió Lào khô khốc, mùa đông rét căm căm, mưa dầm, gió bấc, có người cha hai buổi đi về trên chiếc xe đạp cũ chở nặng nỗi lo cho cuộc sống một gia đình nghèo. Nơi có nếp nhà nép bên lũy tre xanh, mẹ hàng ngày gánh gồng bươn chải, chiều về gội đầu bên giếng nước khơi trong, ngát thơm mùi hương chanh, hương bưởi. Nơi tôi để lại mười tám năm đầu đời với nhọc nhằn những buổi mót khoai, cất tép bên đồng, cả những tiếng cười trong trẻo tuổi học trò, tình bạn vô tư, trong sáng mãi… Từ miền quê ấy, tôi đi lập nghiệp xứ người, bao năm vẫn đau đáu chờ mong, bao năm Tết đến xuân về bất chợt thấy mình vẫn đang thì thầm đọc câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” mà thoáng chút bùi ngùi, đắng đót trong lòng vì thương, vì nhớ…

Tác giả: Nguyễn Minh Nguyệt

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

  Từ khóa: Tết xưa , chợ Vinh , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP