Kinh tế

Tiết lộ của một dân kinh doanh quần áo về ngày Black Friday

Black Friday - một trong những ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, trước đây chỉ phổ biến ở các nước phương Tây, nhưng nay đã được du nhập vào Việt Nam và trở thành một dịp kích cầu mua sắm khá lớn. Tuy nhiên, chiến dịch giảm giá này có thực sự như các tín đồ mua sắm chờ đợi?

Ngày Black Friday như là “phát súng đầu tiên” mở ra khoảng thời gian kích cầu mua sắm của các cửa hàng, nhất là hàng quần áo. Bởi theo anh Lương Việt Dũng (Khương Thượng, Hà Nội) thì từ Black Friday cho đến 29/12 âm lịch là thời điểm bán hàng gấp 3 lần các tháng khác.

“Đây là ngày xả hàng toàn quốc và thậm chí, những ngày cuối cùng của năm, lượng hàng tiêu thụ có thể gấp tới 6 - 10 lần những ngày thường. Tuy nhiên, muốn tăng mua thì phải giảm giá cho khách”, anh Dũng nói.

Thế nhưng, việc giảm giá không phải muốn là làm. Vì theo ông chủ cửa hàng thời trang này: “Không bao giờ được giảm giá tràn lan mà luôn cần tìm lý do hợp lý, nếu không sẽ mất giá trị thương hiệu. Do đó, những dịp như Black Friday, giáng sinh, tết dương lịch, 20/11,…là cơ hội “vàng” để bắt đầu chuỗi ngày giảm giá. Tôi có thể lấy cái cớ đó để giảm giá nguyên 1 tháng cho khách.”

“Thậm chí, giảm giá tới 70% để hút khách và đẩy hàng tồn đi. Nhưng thực sự, hàng được giảm tới 70% là những loại hàng nhập cả năm về chưa bán được, lỗi chỉ, lỗi vải,... Còn lại hàng trung bình thì sale 50%, hàng mới bán chạy thì cũng giảm giá từ 10 - 30%”, anh Dũng chia sẻ.

Giảm giá để kích cầu là việc tốt cho khách hàng, nhưng người mua hàng cũng cần chú ý. Do hiện nay, nhiều cửa hàng cũng dùng chiêu trò để qua mắt người tiêu dùng.

Ví dụ như việc, các shop quần áo xưa nay đều công khai giá bán thì việc họ giảm giá người mua sẽ dễ dàng kiểm tra được. Tuy nhiên, nhiều shop bán hàng online họ thường chỉ trả lời qua tin nhắn và không công khai giá bán.

Làm như vậy thì vào mua giảm giá, họ có thể đẩy giá lên thêm 1 nửa rồi sale 70% là vẫn có lãi. Ví dụ như 1 chiếc áo có giá bán trước đây là 400.000 đồng, cửa hàng đẩy giá lên 650.000 đồng rồi sale 70% còn khoảng 200.000 đồng.

“Giảm giá 70% cho “sang mồm”, nhưng thực chất là nâng giá lên để giảm xuống 1 cái giá chấp nhận được (tương đương với giảm 40 - 50% giá trước đã bán) mà vẫn có lãi. Vì giảm giá cũng không bao giờ bằng giá nhập mà khách lại ùn ùn kéo đến vì được tiếng giảm giá sâu”, anh Dũng khẳng định.

Vì chỉ sản xuất số lượng ít nên còn dư không đáng kể, nhưng anh Dũng cho biết: “Các cửa hàng nhập quần áo Trung Quốc thì tồn vài trăm đến cả tỉ đồng là chuyện thường. Để đẩy hàng đi thì cái nào xấu họ sẽ giảm mạnh, làm quà tặng, còn hàng đẹp thì cất kho sang năm lại bán.”

“Ngoài bán ở cửa hàng, tháng giảm giá Black Friday, các shop quần áo sẽ tăng cường bán thêm bằng các live stream trên Facebook để thanh lý bớt đồ. Mỗi đơn chỉ lãi từ 20.000 - 40.000 đồng, nhưng mỗi ngày có thể bán 400 - 500 đơn mà không mất tiền chạy quảng cáo. Chỉ mất tiền thuê một số bạn gái ăn nói có duyên, ưa nhìn và đặc biệt là có vòng 1 “khủng” là bán rất chạy”, anh Dũng nói.

Mua sắm quần áo hiện nay không còn phải là do thiếu thốn mà phần nhiều là do sở thích. Tuy nhiên, khách mua hàng cũng nên cân đối các khoản chi tiêu, vì từ giờ tới cuối năm, lúc nào cũng có các đợt giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP