Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran tháng 10/2017. Ảnh: Reuters. |
Việc Iran bắn hạ máy bay không người lái (UAV) Mỹ hôm 20/6 đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa hai nước và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh. Mỹ nói chiếc UAV bị bắn khi đang hoạt động trên vùng trời quốc tế, nhưng Iran cho rằng nó xâm phạm không phận nước này.
Trước đó, Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công tàu dầu ở vịnh Oman nhưng Tehran bác bỏ. Dù Tổng thống Trump đã kêu gọi đối thoại giữa hai bên, có ít lý do để tin rằng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng hiện tại là hệ quả từ chiến dịch "gây áp lực tối đa" với Iran của Trump. Năm 2015, Iran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) mang tính lịch sử, theo đó các nước nới lỏng lệnh trừng phạt với Iran và đổi lại Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt và tăng áp lực quân sự đối với Iran bằng cách triển khai thêm binh sĩ đến khu vực.
Tăng trưởng kinh tế Iran có thể bị sụt giảm 6% trong năm nay, sau khi đã giảm 3,9% vào năm ngoái, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Kinh tế Iran từng tăng trưởng 3,8% năm 2017, trước khi chính quyền Trump áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực với Tehran. Tình trạng thất nghiệp ở Iran hiện tăng vọt và lạm phát lên tới 40%.
Theo Aniseh Tabrizi, chuyên gia tại Học viện Hoàng gia London, Iran có thể kết luận rằng họ đã bị "dồn vào chân tường" và "không còn gì để mất". "Chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ càng bóp nghẹt nền kinh tế Iran thì Tehran càng bớt quan tâm đến rủi ro và trở nên quyết liệt hơn", Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng, nói.
Behnam Ben Taleblu, chuyên gia từ Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, dự đoán rằng Tehran sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng. "Iran có thể tính toán rằng Mỹ sẽ không có đòn đáp trả gì nặng hơn lệnh trừng phạt. Lối suy nghĩ đó có thể đúng vào thời điểm hiện giờ, nhưng tình hình sẽ thay đổi nếu Mỹ cho rằng sự leo thang của Iran đặc biệt nghiêm trọng", ông nói.
Tổng thống Trump hôm 20/6 đã thông qua kế hoạch không kích ba địa điểm của Iran, dự kiến khiến 150 người thiệt mạng, nhằm đáp trả vụ máy bay không người lái bị Tehran bắn hạ trên eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Trump đã hủy chiến dịch 10 phút trước vụ tấn công.
Trump từng dọa xóa sổ Triều Tiên trước khi đàm phán với lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đã nhiều lần để ngỏ khả năng tiến hành đàm phán tương tự với Iran. Làm gia tăng căng thẳng trong khu vực có thể giúp Iran giành được lợi thế trên bàn đàm phán vì họ có thể gợi ý về những động thái giảm thù địch như một cách để nhượng bộ.
Tehran muốn "đảm bảo rằng nếu đàm phán diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào, họ đều sẽ bước đến bàn thảo luận với đầy đủ quân bài mặc cả", Ariane Tabatabai, nhà khoa học chính trị tại trung tâm nghiên cứu Rand Corp, nói.
Một số chuyên gia đánh giá Iran đang đẩy căng thẳng lên cao với hy vọng các nước khác sẽ can thiệp để kiềm chế Mỹ. Không giống như Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Tehran khó có thể đáp trả Washington bằng các đòn thuế quan hay biện pháp trừng phạt. Iran cũng không thể đấu được với Mỹ về mặt ngoại giao vì nước này không có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không có mạng lưới đồng minh toàn cầu.
"Iran muốn thể hiện cho thế giới thấy rằng: 'Hãy nhìn xem, chúng tôi từng tương đối kiềm chế từ khi Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nhưng giờ đây chúng tôi không thể như vậy nữa", Dina Esfanderator, chuyên gia của Đại học Harvard về an ninh Trung Đông, nói.
"Họ đang cố khiến châu Âu, cũng như Trung Quốc và Nga cảm thấy tình hình hiện tại cấp bách và nghiêm trọng để các chính phủ đó phải kiềm chế Mỹ thay Iran", Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nói.
Dù không rõ Iran có đứng sau vụ tấn công các tàu chở dầu ở vịnh Oman hay không, sự kiện này vẫn khiến thế giới lo ngại rằng Tehran có thể chặn đứng tuyền hàng hải quan trọng của các nền kinh tế châu Á và châu Âu đi qua eo biển Hormuz. Tehran cũng có thể gửi thông điệp tới các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Arab Saudi và Các Tiểu vương Arab Thống nhất (UAE) rằng nếu thị phần dầu mỏ của Iran bị bóp nghẹt, các nhà cung cấp dầu lớn khác cũng sẽ lĩnh đòn. "Họ có thể hy vọng rằng UAE hay Arab Saudi sẽ thúc giục chính quyền Mỹ xuống nước", Geranmayeh nói.
Tuy nhiên, chiến lược của Iran có thể phản tác dụng. Nếu Tehran tiếp tục làm leo thang căng thẳng quân sự, họ có nguy cơ đánh mất sự cảm thông từ cộng đồng quốc tế vốn đang chỉ trích hành động đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ.
Afshon Ostovar, phó giáo sư tại học viện hải quân ở Monterey, California, cho rằng Iran đang được nhìn nhận như một nạn nhân trong căng thẳng với Mỹ. "Nhưng nếu Iran tiếp tục có động thái như vụ bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, suy nghĩ này sẽ dần bị xóa bỏ", ông nói.
Tác giả: Phương Vũ
Nguồn tin: Báo VnExpress