Theo Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành, SBIC - tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và 7 công ty con sẽ thực hiện các thủ tục phá sản từ quý I/2024.
Các công ty con này bao gồm Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Đồng thời, phần vốn góp của công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cũng sẽ được thu hồi.
Chính phủ lưu ý quá trình phá sản SBIC cần thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Ngoài ra, việc thực hiện các thủ tục phá sản SBIC và các doanh nghiệp thành viên cần bảo đảm quyền lợi của người lao động, tránh xảy ra ảnh hưởng tiêu cực, gây khiếu kiện. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các bộ, ngành đề xuất Chính phủ phương án giải quyết.
Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản tại SBIC và 7 công ty con.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tham gia để đẩy nhanh tiến độ xử lý SBIC.
SBIC được thành lập và hoạt động từ ngày 1/1/2014 với vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, sau quá trình cơ cấu, xóa mô hình tập đoàn tại Vinashin do loạt sai phạm, thua lỗ. Gần 10 năm qua, doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, liên tục thua lỗ. Đến cuối 2021, SBIC lỗ gần 3.800 tỷ đồng, không gồm lỗ lũy kế.
Tác giả: Diệu Thanh
Nguồn tin: znews.vn