Trong nước

Trách nhiệm chung vì mục tiêu ổn định, hòa bình bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác hôm qua tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề chiến lược quan trọng đối với khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Đông Á
ẢNH: TTXVN

Sáng 15.11, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 21 giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã diễn ra tại Singapore. Các lãnh đạo khẳng định vai trò và đóng góp của hợp tác ASEAN+3 đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh đây là một trong những khuôn khổ hợp tác hiệu quả nhất trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN. Các lãnh đạo cũng hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, ủng hộ các nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.

Thúc đẩy hợp tác phát triển

Chia sẻ tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, song còn tiềm ẩn rủi ro như cọ xát thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, các điểm nóng về an ninh, các vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thiên tai... Thủ tướng nêu một số sáng kiến tăng cường hợp tác ASEAN+3 như xây dựng cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các nền kinh tế; đẩy mạnh hợp tác khu vực về cảnh báo sớm thiên tai.

Cùng ngày, Thủ tướng cùng các lãnh đạo ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ cũng dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13. Các nước nhất trí tiếp tục củng cố EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ở khu vực, trong một cấu trúc rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm; bày tỏ ủng hộ tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới và nhất trí thông qua 5 tuyên bố cấp cao Đông Á về Chống rác thải nhựa trên biển; về Các thành phố thông minh ASEAN; về Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh về công nghệ thông tin liên lạc và kinh tế số; về Chống lại mối đe dọa của các đối tượng khủng bố nước ngoài và trở về (FTFs); và về An ninh hạt nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EAS có tiềm năng hợp tác rộng lớn và mang trong mình sứ mệnh bao trùm là thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, theo đó EAS cần tiếp tục duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin, tích cực hỗ trợ các nỗ lực tập thể trong đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, kiềm chế các hành động đơn phương và ủng hộ giải quyết hòa bình các khác biệt. Để ủng hộ hệ thống thương mại quốc tế công bằng và cùng có lợi, các nước thành viên EAS cần tăng cường kết nối, cả về hệ thống pháp chế, hạ tầng vật chất, lẫn kết nối số. Thủ tướng cũng nêu rõ môi trường ổn định, hòa bình bền vững có ý nghĩa tiên quyết với hợp tác phát triển. Phấn đấu vì mục tiêu này là trách nhiệm chung của các nước, trong đó có các nước tham gia EAS. Tại Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN luôn đề cao kiềm chế, tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Thủ tướng đề nghị các nước, bằng các hành động cụ thể, ủng hộ các nguyên tắc này của ASEAN.

Mỹ duy trì hiện diện ở Biển Đông

Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 6 cũng diễn ra cùng ngày với sự tham dự của các lãnh đạo hai bên. Tại hội nghị, Phó tổng thống Mike Pence khẳng định cam kết của Mỹ đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, coi ASEAN là đối tác quan trọng ở khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm và tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN chủ trì, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Phó tổng thống Pence cũng chia sẻ về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, khẳng định tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN. Về tình hình Biển Đông, Phó tổng thống Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì hiện diện và đóng góp đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định tự do và an toàn hàng hải, không quân sự hóa trên Biển Đông, tránh đối đầu, khuyến khích các bên liên quan thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc. Mỹ cũng trông đợi ASEAN tích cực ủng hộ nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và đóng góp của Mỹ ở khu vực, mong muốn ASEAN và Mỹ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung, thúc đẩy một trật tự khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ. Thủ tướng khẳng định hai bên cần đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng trên cơ sở công bằng, bình đẳng và cùng có lợi. Thủ tướng ghi nhận chia sẻ của Mỹ về sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng cũng nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, trông đợi Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC, xây dựng COC hiệu quả và thực chất.

Tối 15.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến làm việc tại Singapore. Trong thời gian 3 ngày, Thủ tướng đã có chương trình làm việc phong phú và khẩn trương với nhiều hoạt động đa dạng, cả song phương và đa phương, dự, phát biểu tại 18 hội nghị, phiên họp; có cuộc tiếp, làm việc với lãnh đạo các nước. Thủ tướng đã có các phát biểu quan trọng, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp vào nhiều văn kiện, thỏa thuận được thông qua tại hội nghị, phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chia sẻ các sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, lập Đại học Công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực… Các hoạt động phong phú và phát biểu quan trọng của Thủ tướng đã làm nổi bật hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP