Thế giới

Triều Tiên không đơn giản, đang chế tên lửa đánh bại cả Patriot, Aegis, THAAD

Một báo cáo mới của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) dành sự quan tâm cho 3 tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên bởi chúng được thiết kế để vượt qua các mạng lưới phòng không và tiến hành một cuộc tấn công chiến thuật.

Theo báo cáo được công bố hôm 14-7, các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên không chỉ là những tuyên bố chính trị suông mà còn nhằm cải thiện mức độ đáng tin cậy, hiệu quả và khả năng đánh bại các hệ thống phòng không của lực lượng tên lửa đạn đạo nước này.

Những tiến bộ gần đây trong chương trình thử tên lửa đạn đạo Triều Tiên dường như hướng đến phát triển khả năng đánh bại hoặc làm giảm hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai trong khu vực như Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) Aegis và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao (THAAD).

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23, có tầm bắn 690 km. Ảnh: Rodong Sinmun

Ngoài ra, những tiến bộ của Triều Tiên về tên lửa đạn đạo tiên tiến phóng từ tàu ngầm còn cho thấy nỗ lực đối phó với hệ thống THAAD triển khai trên đất liền.

Do được phóng từ các vị trí trên biển, tên lửa này sẽ nằm ngoài tầm hoạt động của radar THAAD.

Báo cáo trên tập trung vào 3 hệ thống tên lửa mới được Triều Tiên thử nghiệm trong những năm gần đây, gồm: KN-23, KN-24 và KN-25. Sự giống nhau của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn dễ dẫn đến sự nhầm lẫn là 3 hệ thống này là 1 khi chúng được thử nghiệm trong các năm 2019 và 2020.

3 hệ thống này vẫn có nhiều điểm giống nhau. Chúng đều được bắn từ các bệ phóng di động, đi theo đường bay không điển hình, được thiết kế để đánh lừa hệ thống phòng không và có tầm bắn khá hạn chế.

Trong số này, tên lửa đạn đạo KN-23 dường như có tầm bắn xa nhất (chưa đến 700 km), theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-24 với tầm bắn 410 km. Ảnh: RODONG SINMUN

Báo cáo của CRS lưu ý rằng KN-23 nêu bật sự tiến bộ đáng chú ý nhất của Triều Tiên trong lĩnh vực vũ khí nhỏ. Trong một cuộc diễn tập gần đây, tên lửa này được sử dụng để làm bối rối tên lửa phòng không. Một số loại tên lửa khác, như tên lửa chống hạm Harpoon của Hải quân Mỹ cũng có khả năng tương tự.

Tên lửa đạn đạo KN-24 được cho là có trang bị hệ thống dẫn đường và khả năng cơ động trong lúc bay để tấn công chính xác mục tiêu. Nó có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo KN-25 đã làm mờ ranh giới giữa rốc-két và tên lửa. Nó có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh cùng các cấu trúc khí động học.

Báo cáo CRS lưu ý quân đội Triều Tiên có thể tìm cách phóng chúng hàng loạt để áp đảo mạng lưới phòng thủ của kẻ thù.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25. Ảnh: RODONG SIMUN

Sách trắng quốc phòng của chính phủ Nhật Bản xuất bản hồi đầu tuần cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự về khả năng tên lửa của Triều Tiên. Tokyo đặc biệt lưu ý Bình Nhưỡng có thể đang phát triển một tên lửa đạn đạo có quỹ đạo thấp, có thể tránh được mạng lưới phòng thủ tên lửa của Nhật Bản và tấn công vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ nước này.

Báo cáo gọi Bình Nhưỡng là một mối đe dọa nghiêm trọng sắp xảy ra đối với an ninh của Nhật Bản.

Các lực lượng Mỹ cung cấp phần lớn các hệ thống BMD trên khắp Hàn Quốc và Nhật Bản, chuyên theo dõi và bắn hạ tên lửa chiến lược. Dù vậy khả năng phòng không tầm ngắn của Mỹ đã bị lãng quên thời gian qua.

Theo sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào hai cơ sở dầu mỏ ở Ả Rập Saudi vào tháng 9-2019, Lầu Năm Góc đã tập trung trở lại vào phòng thủ tầm ngắn.

Tác giả: Gia Minh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: tên lửa , Triều Tiên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP