Hoành Sơn Quan đã tồn tại gần 200 năm trên đỉnh đèo Ngang - nơi phân định ranh giới 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Mỗi lần đến đây, nhiều du khách không khỏi nuối tiếc vì chứng kiến di tích ngày càng tàn tạ, chưa tương xứng với vai trò, giá trị lịch sử của nó.
Bị xâm hại, bôi bẩn
Trên đỉnh đèo Ngang, phóng tầm mắt ra hướng Bắc là cả vùng đất thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh rộng lớn, đẹp như bức tranh thủy mặc. Quay vào Nam thì thấy Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh cùng dãy núi Hoành Sơn uốn lượn xanh ngát; nằm xen kẽ phía dưới là những khu nhà của người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
|
Hoàng Sơn Quan cổ kính, uy nghi nhưng đang xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng |
Theo sử sách ghi lại, đèo Ngang được khai phá, đắp đá thành đường nối liền hai bên chân núi Hoành Sơn. Tháng 3-1833, vua Minh Mạng thiết lập cửa ải trên núi Hoành Sơn nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, gọi là Hoành Sơn Quan - người địa phương quen gọi là Cổng Trời. Khách bộ hành dọc đường thiên lý Bắc Nam thời đó phải qua duy nhất cửa ải này.
Mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí” - quyển 8 ghi chép về núi Hoành Sơn .Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Từ hướng Hà Tĩnh lên Hoành Sơn Quan có 1.000 bậc thang bằng đá, xưa được quan quân nhà Nguyễn xẻ núi tạo thành, trên đỉnh là Cổng Trời. Cổng này có cửa cao 4 m, trên đắp nổi 3 chữ "Hoành Sơn Quan", có tường thành chạy dài hai bên. Công trình kiến trúc thành lũy này còn khá nguyên vẹn với vẻ trầm mặc, cổ kính.
Được đánh giá là công trình có giá trị rất quan trọng trong lịch sử nhưng Hoành Sơn Quan lại đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Nằm trong hệ thống di tích nhưng dấu tích thành cổ chỉ còn là tường thành hoang phế, chẳng ai chăm sóc nên xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Xung quanh Cổng Trời, nhiều hạng mục đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích.
Mặt sau Hoành Sơn Quan chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký trông rất nhem nhuốc. Cổng Trời trở nên biến dạng vì bị bôi bẩn.
Đáng nói, sát Hoành Sơn Quan, khoảng 7 năm trước, người dân còn tự ý xây một miếu lớn, xâm phạm trực tiếp di tích. Sau đó, công trình này bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, đập bỏ. Ngôi miếu này hiện còn tồn lại phần móng và một am thờ, thỉnh thoảng vẫn có người đến thắp hương, khấn bái.
Anh Lê Huy Hoàng, ngụ huyện Quảng Trạch, cho biết khi chưa có hầm đường bộ, người dân qua lại phải vượt đèo Ngang thì Hoành Sơn Quan được nhiều người biết đến vì kiến trúc thành lũy nổi bật. Nhưng giờ, nhiều người chọn cách đi qua hầm để rút ngắn lộ trình nên di tích dần bị lãng quên. Thỉnh thoảng mới có vài nhóm bạn trẻ "phượt" bằng xe máy, dừng chân bên di tích này thăm thú, chụp ảnh.
Tranh chấp dai dẳng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hoành Sơn Quan được cả Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phương mình vào năm 2002 và 2005. Hai tỉnh này cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia nhưng không được chấp nhận, lý do là có tranh chấp...
Năm 2002, cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc họp bàn nhằm "hòa giải" chuyện tranh chấp Hoành Sơn Quan. Phía Hà Tĩnh đưa ra bản đồ ranh giới mới để khẳng định Cổng Trời thuộc về tỉnh mình nhưng phía Quảng Bình cương quyết không đồng ý. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sau đó gợi ý Quảng Bình và Hà Tĩnh làm hồ sơ chung đề nghị công nhận di tích Hoành Sơn Quan nhưng không tỉnh nào chịu.
Từ đó đến nay, Hoành Sơn Quan vô tình bị chia làm 2, phía Bắc thì Hà Tĩnh quản lý, còn phía Nam thuộc Quảng Bình. Thế nên, việc bảo vệ di tích này đã gặp nhiều khó khăn. Riêng ngôi miếu mà người dân tự ý xây dựng sát di tích, tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản, buộc phải đập bỏ. Tuy nhiên, miếu này lại nằm về mái núi bên Hà Tĩnh, người dân vẫn tụ tập khấn bái mà tỉnh Quảng Bình lại không đủ thẩm quyền xử lý.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc tranh chấp Hoành Sơn Quan dai dẳng hàng chục năm qua giữa 2 địa phương là về 2 góc độ. Về địa giới hành chính, ngày nay Hoành Sơn Quan nằm bên mái núi Hà Tĩnh tính theo đường phân thủy, song xét về lịch sử và việc bảo vệ di tích thì "chắc chắn thuộc Quảng Bình, điều đó không thể bàn cãi".
Ông Thành giải thích: "Hà Tĩnh khẳng định Hoành Sơn Quan thuộc về tỉnh này nhưng sử sách hàng trăm năm nay và đến giờ vẫn ghi nhận thuộc Quảng Bình. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cắm biển di tích, cắm mốc giới".
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình, thừa nhận Hoành Sơn Quan đang xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích nếu chưa được giải quyết, công nhận một cách rõ ràng thuộc về tỉnh nào. Cũng bởi lý do này, di tích uy nghi, cổ kính đến nay vẫn chưa lần nào được tu bổ, tôn tạo. Theo bà Thủy, sắp tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Bình.
"Cha chung không ai khóc"
TS sử học Nguyễn Khắc Thái nhận xét đến nay, Hoành Sơn Quan vẫn chưa được công nhận di tích quốc gia là thiếu sót, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở cả địa phương lẫn trung ương. Việc Quảng Bình và Hà Tĩnh "dùng dằng" rồi "bỏ rơi" một di tích đánh dấu sự phát triển của đất nước trong một giai đoạn cụ thể như vậy đã vô tình tạo ra nhiều hệ lụy.
"Thứ nhất, do không được quan tâm, bảo vệ, trùng tu nên Hoành Sơn Quan đang có dấu hiệu hoang phế và xuống cấp. Thứ hai, tình trạng Hoành Sơn Quan bị xâm hại bởi một vài công trình của các cá nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực bảo vệ và không gian, cảnh quan di tích. Thứ ba, Hoành Sơn Quan không chỉ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, gắn liền với hành trình phát triển đất nước mà đây còn là một danh thắng trên dãy Hoành Sơn. Cho nên, nếu làm tốt, biết quan tâm đầu tư thì di tích này sẽ là nơi khai thác du lịch tiềm năng" - TS Nguyễn Khắc Thái nhìn nhận.
Theo TS Nguyễn Khắc Thái, Hoành Sơn Quan hiện nằm trên địa phận Hà Tĩnh là do khi phân định địa giới hành chính, cơ quan chuyên môn đã vận dụng một cách máy móc việc quản lý nhà nước. Cụ thể, cơ quan chuyên môn đã phân định theo đường phân thủy mà không quan tâm đến không gian văn hóa, không lấy ý kiến tham khảo từ các chuyên gia.
"Hoành Sơn Quan vốn là nơi đón khách thượng kinh từ phía Bắc vào triều đình ở Huế. Để quan sát được khách, công trình phải làm ở mái núi bên ngoài nhìn ra phía Hà Tĩnh. Công trình quan ải là của chung đất nước. Trong lịch sử, Quảng Bình được giao trách nhiệm quản lý, vận hành cửa ải này, thể hiện ở mặt hướng ra phía Hà Tĩnh với 3 chữ "Hoành Sơn Quan". Nội vi là cánh cửa và chốt then khóa cũng thể hiện chủ thể là phía Quảng Bình" - ông Nguyễn Khắc Thái giải thích.
Các thư tịch cổ và hầu hết nhà nghiên cứu cũng đều cho rằng trong lịch sử, từ xa xưa Hoành Sơn Quan đã thuộc sự quản lý của phía Quảng Bình. "Đại Nam thực lục", "Đại Nam nhất thống chí", "Đồng Khánh dư địa chí"… cũng đều nêu rõ công trình này thuộc phía Quảng Bình.
TS Nguyễn Khắc Thái cho rằng ranh giới quốc gia mới cố định, còn địa giới giữa các tỉnh, thành thì có thể điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử từng địa phương, từng giai đoạn. Vì vậy, việc cần làm ngay đối với Hoành Sơn Quan là cơ quan chức năng trung ương sớm quyết định giao cho một trong hai tỉnh Quảng Bình (quản lý theo đặc trưng văn hóa - lịch sử, quy định trong Luật Di sản) hay Hà Tĩnh (quản lý theo địa bàn hành chính, quy định trong Luật Dân sự) để di tích sớm được xếp hạng quốc gia, được bảo tồn và phát huy tác dụng.
Rời Hoành Sơn Quan, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến địa danh đèo Ngang - Hoành Sơn từng đi vào thơ ca, sử sách qua nhiều thời kỳ. Hoành Sơn được nhắc đến trong câu sấm truyền nổi tiếng của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành Sơn nhất đái - Vạn đại dung thân"; chúa Nguyễn Hoàng đã vượt dãy Hoành Sơn để vào Nam xây dựng cơ đồ nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Bài thơ "Qua đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan với những câu chữ cũng đã đi vào lòng người: "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa…". Nơi đây còn gắn liền với huyền tích Thánh mẫu Liễu Hạnh giáng trần, trừ gian tà, giúp người nên được dân chúng mến mộ, suy tôn…
Thế mà giờ đây, Cổng Trời - Hoành Sơn Quan lại đang lâm cảnh "cha chung không ai khóc"!
"Giao Hoành Sơn Quan cho tỉnh nào quản lý cũng được. Nếu giao một đơn vị quản lý, 2 địa phương cùng khai thác cũng không sao. Nếu khai thác du lịch thì Hoành Sơn Quan là điểm đến chung, khách của tỉnh nào thì tỉnh đó đưa tới” - TS Nguyễn Khắc Thái đề xuất. |
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người Lao Động