Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng thậm chí sự ưu đãi cho giáo dục hiện nay còn bị cắt giảm hơn so với trước đây |
Cần bố trí đủ nguồn lực mới khả thi
Đại biểu (ĐB) Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng chính sách này rất có ý nghĩa để thúc đẩy phát triển giáo dục, tạo sự bình đẳng, mang lại cơ hội học tập cho mọi người. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối nguồn ngân sách, điều chỉnh cơ cấu chi hợp lý để quyết tâm thực hiện miễn học phí phổ cập giáo dục trước năm 2020.
Theo ĐB Ka H’Hoa (Đắk Nông), để thực hiện chính sách này, cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ hợp lý từ ngân sách nhà nước sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân giáo viên. Còn nếu hỗ trợ từ ngân sách thì chủ yếu sẽ lấy từ ngân sách địa phương, do đó sẽ rất khó khăn cho các tỉnh nghèo. “Tôi thiết nghĩ, nếu đã đề ra chính sách, cần bố trí nguồn lực đầy đủ thì mới khả thi”, ĐB tỉnh Đắk Nông đề nghị.
ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) bày tỏ sự đồng tình với chính sách miễn học phí với học sinh THCS vì cho rằng đây là chính sách góp phần làm tốt công tác phổ cập, phân luồng học sinh. Tuy nhiên, ĐB Giang đề nghị cần phải tính tới phần hụt ngân sách của các trường bởi miễn học phí thì phần thu học phí của các trường sẽ bị giảm.
“Hiện nay, nhà trường được giữ lại một phần các khoản thu từ học phí và theo cơ chế phân bổ ngân sách của các trường là 18% chi cho hoạt động giáo dục, 82% chi cho thường xuyên. Như vậy, nếu nguồn thu của trường giảm thì nguồn ngân sách để chi cho hoạt động giáo dục là rất ít. Vì vậy, đề nghị cân nhắc để các trường không thiếu hụt nguồn ngân sách, gây khó khăn cho các hoạt động của nhà trường”, ĐB Giang đề nghị.
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực để có thể mở rộng hơn chính sách này đối với đối tượng là trẻ mầm non 3 - 4 tuổi, vì cho rằng hiện nay tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đang được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe miễn phí hoàn toàn. ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, trong đó ưu tiên thực hiện tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nhiều giáo viên không sống chân chính được bằng nghề
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) kiến nghị ban soạn thảo cần quan tâm tới quy định về chính sách đối với nhà giáo tại dự thảo. ĐB Phúc cho hay, đây là điều mà lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quan tâm nhưng dự thảo chỉ quy định vỏn vẹn 2 dòng: nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang bậc lương, phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ĐB Phúc, cả Nghị quyết 27 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 của T.Ư chỉ áp dụng chung cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và chưa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ số thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng.
ĐB tỉnh Hưng Yên tính toán, hiện nay, giáo viên mới vào nghề hay diện hợp đồng ngắn hạn thì thu nhập chỉ khoảng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng mà không có khoản phụ cấp nào khác. “Với mức thu nhập như vậy lại không có sự ưu đãi, không có khoản thu nhập khác, liệu rằng họ có thể sống được bằng nghề hay không? Liệu họ có thể dành tâm huyết cả cuộc đời cho nghề hay không khi cuộc sống luôn luôn canh cánh mối lo cơm áo, gạo tiền?”, ĐB Phúc nêu và tha thiết đề nghị ban soạn thảo luật hóa những quy định liên quan tới chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo để động viên, tạo động lực cho GV, tương xứng với chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Xã hội chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết không quá khó để tìm thấy một khẩu hiệu trong các trường học hiện nay, nhưng ông Nhân băn khoăn liệu có khẩu hiệu nào đủ cô đọng để trở thành triết lý giáo dục của VN hay không. Nhấn mạnh một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường, thiếu triết lý giáo dục đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục, ĐB Nhân cho rằng, xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại. Giải trình thêm vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết triết lý giáo dục là vấn đề nhiều ĐB quan tâm và đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, vì liên quan tới quan điểm, đường lối giáo dục. “Hiện chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia để nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục VN trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục, để tạo ra sự thống nhất cao, từ đó có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động giáo dục tới đây”, Bộ trưởng Nhạ nói. |
Tác giả: Lê Hiệp
Nguồn tin: Báo Thanh niên