Văn phòng Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An |
Ngày 30/3/2012, Bộ Tài chính- đại diện cho Chính phủ Việt Nam cùng với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký Hiệp định số VN11-P9 vay vốn để thực hiện Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ. Trong khuôn khổ Hiệp định này, ngày 17/8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định số 3400/QĐ-BNN-HTQT điều chỉnh kế hoạch tổng thể “Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tiếp đó, ngày 11/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiếp quyết định số 3657/QĐ-BNN-HTQT điều chỉnh phụ lục Quyết định số 3400/QĐ-BNN-HTQT.
Cũng trong khuôn khổ Hiệp đinh nói trên, ngày 17/8/2012 UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 3135/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản; Và, ngày 13/9/2018, UBND tỉnh Nghệ An ban hành tiếp quyết định số 4214/QĐ-UBND, điều chỉnh nội dung phê duyệt dự án đầu tư “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An” từ nguồn vốn ODA.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban quản lý Dự án JICA2 với nhiệm vụ: quản lý, chỉ đạo, theo dõi triển khai dự án.
Mục đích mà Dự án JICA hướng tới là: Quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ ở Nghệ An; Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học; Xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi. Cụ thể là: Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn tại 03 huyện: Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu; Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và chủ rừng phòng hộ; Cải thiện sinh kế cho các cộng đồng, những người sẽ quản lý rừng phòng hộ.
Dự án JICA2 tỉnh Nghệ An được triển khai thực hiện trên địa bàn 22 xã của 03 huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ và Tương Dương.
Rừng phòng hộ tại Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) bị chặt phá để lấy đất trồng dứa Ảnh: Dân Trí |
Huyện Quỳnh Lưu, dự án được triển khai ở các xã: Quỳnh Thắng, Quỳnh Lập, Tân Sơn, Tân Thắng, trong đó, nâng cấp rừng là 240,1ha, trồng mới (keo và sao đen) là 424,94ha. Tại huyện Tân Kỳ có 336,24ha rừng trồng mới năm 2014 và 2015. Huyện Tương Dương có 101,34ha tại xã Tam Hợp và xã Yên Tĩnh vào năm 2014 và 2015. Năm 2017, huyện Tương Dương được dự án giao khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1919,29ha tại 3 xã: Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng.
Theo số liệu từ Ban quản lý dự án JICA2, từ năm 2015 đến nay, 3 huyện nêu trên đã tiến hành trồng mới rừng phòng hộ được 862,9 ha; nâng cấp rừng 240,1 ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1919,29 ha. Bên cạnh đó, dự án đã thực hiện 12 mô hình trình diễn hỗ trợ phát triển sinh kế; tổ chức được 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực; tổ chức được 16 cuộc hội thảo đầu bờ tại các xã trong vùng dự án; tổ chức 05 cuộc tham quan chéo trong và ngoài tỉnh; tổ chức 01 cuộc hội thảo cấp tỉnh và hoạt động hỗ trợ nhân rộng mô hình. Triển khai các lớp Tập huấn PCCCR.
Bước đầu, dự án đã cho thấy hiệu quả ở một số hạng mục được đầu tư, nhất là về vấn đề nâng cao hiểu biết, ý thức của người dân, cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa vùng miền núi khó khăn ở huyện Tương Dương hay như nơi người dân sử dụng đất rừng chưa đúng với mục đích phòng hộ như huyện Quỳnh Lưu…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác trồng rừng, nâng cấp, chăm sóc, bảo vệ rừng nhưng dự án đã nỗ lực thực hiện phủ xanh được hơn 860 ha rừng trồng, 240 ha rừng nâng cấp và khoanh nuôi 1919 ha rừng tự nhiên.
Thực tế, còn tình trạng người dân chặt phá rừng phòng hộ xảy ra tại Nghệ An? |
Mặc dù dự án đã đạt được những kết quả nêu trên nhưng theo ông Nguyễn Quang Hảo- Phó Giám đốc Ban quản lý JICA2, quá trình thực hiện dự án cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện và bảo vệ thành quả đầu tư của dự án. Theo ông Hảo, trong hợp phần phát triển rừng phòng hộ (trồng rừng, nâng cấp và khoanh nuôi). Công tác phát triển rừng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, địa bàn, tiểu khí hậu, dẫn đến một số diện tích rừng chất lượng cây chưa đồng đều do trồng dặm nhiều lần, cây trồng trước lấn át cây trồng sau, thực bì phát triển mạnh cũng gây lấn át cây trồng. Một số diện tích gặp thiên tai bất khả kháng như nắng hạn, bão mặc dù rất cố gắng khắc phục, song nhìn chung tốc độ sinh trưởng của cây trồng bị ảnh hưởng rất nhiều…
Tại huyện Quỳnh Lưu, tổng diện tích rừng trồng thuộc phạm vi dự án gần 424 ha với kinh phí thực hiện khoảng 15 tỷ đồng. Dự án này, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An nhận thầu từ năm 2014. Dự án triển khai thực hiện trồng từ năm 2014 đến 2016 với số tiền đã được giải ngân nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Sơn- Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, có hơn 60 ha rừng thuộc đối tượng trồng mới tại xã Tân Thắng chưa đạt yêu cầu do bị chết và bão làm gãy nên đang phải trồng lại. Điều đáng nói là, phần diện tích rừng keo và sao đen ở Tân Thắng phải trồng lại này, theo ông Nguyễn Quốc Khánh- Chủ tịch UBND xã này cho biết, phần lớn là diện tích nhận khoán của cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Vì sao, hàng chục ha rừng trồng của cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Quỳnh Lưu lại bị chết, phải trồng lại, trong khi họ đã nhận tiền của dự án từ lâu? Đây là câu hỏi rất cần có lời giải đáp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An.
Được biết, đầu năm 2008, thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng phòng hộ theo dự án 661, Ban quản lý Rừng phòng hộ Quỳnh Lưu (trước đây) do ông Võ Văn Vinh là Trưởng ban, bà Nguyễn Thị Bích Thủy làm kế toán, bà Ngũ Thị Mai và bà Cao Thị Vân làm thủ quỹ đã chi sai mục đích hàng trăm triệu đồng nguồn tiền đầu tư cho dự án này. Ông Vinh, bà Thủy, bà Mai và bà Vân đã bị Tòa án huyện Quỳnh Lưu tuyên phạt các mức án về tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tác giả: Nguyễn Công - Huy Hoàng
Nguồn tin: nguoixaydung.com.vn