Con đường độc đạo duy nhất đi từ khu rừng đang bị khai thác không gần với nơi trồng keo như lãnh đạo Hạt kiểm lâm Thanh Chương đã chia sẻ. Hàng loạt chuyến xe gỗ vẫn dễ dàng “qua mặt” trạm Kiểm lâm mà không gặp bất kỳ khó khăn nào?
Trước đó, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết phản ánh về tình trạng tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) về việc hộ dân tại Tiểu khu 996 lợi dụng việc giao khoán bảo vệ, tiếp tục chặt phá nhiều héc ta rừng giữa ban ngày mà không bị xử lý triệt để.
Được sự hướng dẫn từ một số người dân, sau nhiều giờ đồng hồ men theo các quả đồi và rừng rậm. Nhóm PV đã tiếp cận được đến khu rừng vừa bị chặt phá chỉ cách đây ít ngày, hàng trăm cây chỉ còn trơ lại gốc, nhiều dấu vết gỗ cưa còn rất mới.
Trái với ý kiến của lãnh đạo Hạt kiểm lâm Thanh Chương, thực tế nơi khai thác keo cách phía tầm 2-3km, không thuộc tiểu khu 996. |
Tại đây, những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại đã bị triệt hạ không thương tiếc, những cây gỗ có đường kính 40-60 cm, những vết gỗ cưa còn mới khiến khu rừng tan hoang.
Theo như lời giải thích của lãnh đạo Hạt kiểm lâm Thanh Chương thì con đường độc đạo duy nhất xuất hiện ở khu rừng bị tàn phá này là do người dân mở đường để khai thác keo.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, khu vực khai thác keo của người dân cách nơi khai thác gỗ tầm 2-3km, và không đi qua nơi xảy ra phá rừng. Con đường này xuyên quanh cả khu rừng với chiều rộng khoảng 3 mét đến 4 mét. Hai bên con đường xuất hiện nhiều gốc cây gỗ như Trín, Ràng ràng, Dẻ…bị lấp đất hoặc đào vứt nằm chỏng chơ sau khi đã bị đốn hạ…
Hai bên đường vận chuyển gỗ ra, gốc và rễ cây bị lấp đất hoặc vứt chỏng chơ. |
Tiết lộ của một người dân ở gần khu rừng, con đường dẫn lên khu khai thác này xuất hiện từ đợt tháng 2/2020, họ khai thác đến đâu thì mở đường để vận chuyển gỗ ra đến đó. Mặt khác, người dân cũng khẳng định rằng khu rừng này hiện tại không có keo để khai thác mà keo được trồng ở khu đồi bên cạnh không cùng lối đi.
Ông Nguyễn Cảnh Nam – Chủ tịch xã Thanh An cho hay: “Ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí phản ánh, Đoàn liên ngành gồm lãnh đạo huyện, Kiểm lâm và xã đã mời chủ rừng lên kiểm tra. Tôi có nói với đoàn việc khai thác gỗ là có thật như báo phản ánh. Việc phá rừng là sai, làm gì cũng phải thượng tôn pháp luật. Các anh không làm dứt điểm, trở đi trở lại cứ lăn bóng xuống xã khiến tôi cũng rất khổ”.
Nhiều gốc cây nằm trơ trọi, cành cây vứt bỏ ngổn ngang. |
Khi được hỏi về việc xuất hiện con đường phía trong khu rừng bị khai thác, ông Nam cho biết thêm: “Thực tế, trước đây cũng có đường cũ là lối mòn nhỏ để người dân đi trồng keo, nhưng qua kiểm tra thì con đường này nhân tiện đã bị họ đưa máy lên đào mở rộng thêm và sâu vào trong.
Cấp xã lực lượng thì mỏng đồng thời nằm cách xa khu rừng hơn 30 cây số nên việc quản lý rất khó khăn”.
Sau khi đốn hạ cây gỗ ở khu rừng thuộc Tiểu khu 996, các đối tượng đã dùng máy xích cho lên xe Công nông và vận chuyển duy nhất bằng con đường độc đạo nói trên.
Theo một số người dân xã Thanh Hương, việc khai thác ở khu rừng này xuất hiện bắt đầu từ ngày 26 tháng 2 năm 2020. Khu rừng khai thác chỉ cách Trạm kiểm lâm Hoa Quân thuộc Hạt kiểm Lâm Thanh Chương khoảng 4km.
Mỗi ngày có từ 1 đến 2 chuyến xe vận chuyển gỗ đi từ khu rừng này và dễ dàng qua Trạm kiểm lâm nằm trên địa bàn xóm 6 xã Thanh Hương.
Khung cảnh tan hoang của cánh rừng sau khi bị đốn hạ. |
Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Thanh Hương về vấn đề này, ông Tiến bảo việc vận chuyển là đi qua xã Ngọc Lâm 1 đoạn rồi qua xóm 6 và đường mòn xã Thanh Hương khoảng 7 đến 8 cây số.
Trước đây thì xã có nhận được thông tin việc vận chuyển gỗ qua đây nhưng về khai thác thì không thuộc địa bàn nên chúng tôi cũng không biết.
Kỳ 3: Khu rừng bị chặt phá đang nằm diện tranh chấp. Vì sao lại cấp bìa?
Tác giả: Nguyễn Thưởng - Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị