Nhịn đói nằm ngủ giữa đường chờ chồng
Chiều 31/7, ông Tăng Xuân Hải - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị đã cử một chiếc xe cấp cứu đưa 2 người phụ nữ cùng 4 cháu nhỏ về quê tại huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Hai người phụ nữ cùng 4 cháu nhỏ ở cầu Bến Thủy 2 |
Trước đó, vào tối 30/7, mọi người phát hiện 2 người phụ nữ ôm 4 con nhỏ ngồi khóc ngóng chồng bên chốt kiểm soát cạnh trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 (nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).
Những người phụ nữ cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cả vợ và chồng mất việc, thiếu cái ăn và sợ dịch nên cả gia đình chạy xe máy từ Bình Phước về quê nhà Nghệ An.
Khi đi qua Quảng Bình vào đất Hà Tĩnh, một chiếc xe khách trung chuyển đã giúp chở nhóm những người vợ các con về đến chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 gần trạm thu phí BOT Cầu Bến Thủy 2.
Lực lượng trực chốt và các nhà hảo tâm đã cung cấp thức ăn cho mẹ con |
Do hiểu nhầm chiếc xe này sẽ chở vợ con về quê nên 2 người đàn ông đã đi xe máy thẳng về huyện Tương Dương. Sau khi xuống xe, do không liên lạc được 2 người chồng nên nhóm vợ con đành phải nằm ngủ qua đêm tại cầu Bến Thủy 2 để chờ.
Trước tình cảnh này, một nhóm từ thiện và lực lượng trực chốt đã nhanh chóng mua cháo để cho 2 người phụ nữ và 4 cháu nhỏ ăn. Sau khi liên hệ với Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, phía đơn vị đã cử xe cứu thương đưa nhóm này về quê.
Liên quan đến vụ việc, ông Lương Phi Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: "Hai người chồng đã về đến quê nhà và đã vào điểm cách ly ở trường mầm non. Còn những người vợ và con đang trên đường về. Khi về đến xã chúng tôi sẽ cho khai báo y tế và đưa vào điểm cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ trong thời gian cách ly y tế".
Sẵn sàng khu cách ly để đón người từ miền Nam về
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 396 về việc đón công dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam có nhu cầu cấp thiết trở về Nghệ An. Thực hiện kế hoạch này, hiện nay tất cả các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng lên phương án, thiết lập các cơ sở lưu trú, nhằm đáp ứng nhu cầu cách ly cho người dân.
Theo kế hoạch, tất cả công dân trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đều tổ chức cách ly tập trung 14 ngày tại các khu cách ly tập trung của địa phương hoặc tại các cơ sở cách ly dịch vụ có thu phí theo đăng ký. Sau 14 ngày, công dân buộc phải tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày.
Trưa nay, nhóm người này đã được xe cấp cứu đưa về |
Ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ ngày 13/7 tới nay đã có gần 600 công dân làm việc sinh sống ở các tỉnh đang có dịch phía Nam về quê bằng xe máy. Dự báo, địa phương này sẽ đón khoảng 2.000 lao động hồi hương tránh dịch.
"Với số lượng lao động về địa phương như những ngày qua thì khu cách ly tập trung của huyện không thể tiếp nhận hết. Huyện đã thành lập một chốt kiểm soát ở xã Chiêu Lưu để tiếp nhận công dân trở về. Sau khi thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, lao động ở địa phương nào sẽ được bàn giao cho địa phương đó", ông Lập nói.
Huyện Kỳ Sơn đã trưng dụng các trường học để làm khu cách ly |
Hiện tất cả các xã, thị trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều đã kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất và trưng dụng các trường học để phục vụ cho việc cách ly công dân về từ vùng dịch.
Theo ông Lập, công tác phòng, chống dịch đối với lao động trở về từ vùng có dịch đạt hiệu quả hay không, không chỉ mỗi cố gắng, nỗ lực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể mà còn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của công dân. Hiện huyện Kỳ Sơn cũng đã tính tới phương án trưng dụng các nhà văn hóa cộng đồng để đảm bảo công tác cách ly trong trường hợp người dân về nhiều hơn.
Tác giả: Văn Nguyễn
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị