Pháp luật

Vụ đánh bạc ngàn tỷ: Vì sao các nhà mạng lại vô can?

Trong phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ (do Phan Sào Nam cầm đầu) đang diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, luật sư Trần Hồng Phúc nêu quan điểm cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này.

Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh đưa tin, Luật sư (LS) Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương cho rằng, ngoài việc đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự đối với thân chủ còn cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng.

Theo LS Phúc, đại đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy Rik. Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán lại kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra.

Nhà mạng thu lời hơn 1.200 tỷ đồng trong vụ đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam cầm đầu.

“Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung số của các game khác với phạm vi dịch vụ viễn thông của mình nên có phần lỗi của nhà mạng” - nữ LS đặt vấn đề.

Ngoài ra, cáo trạng của viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ cũng kết luận số tiền thu lời bất chính của các công ty viễn thông (tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, tổng công ty Dịch vụ viễn thông (tập đoàn VNPT), tổng công ty Viễn thông MobiFone phải truy thu là trên 1.200 tỷ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, các nhà mạng đã dừng dịch vụ thẻ cào thanh toán trực tuyến. Điều này chứng minh các nhà mạng đã nhận thấy lỗi sai của mình.

Báo Dân Trí đưa tin, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỷ nói trên là hơn 1.200 tỷ đồng, gồm: Viettel là hơn 900 tỷ đồng, VinaPhone là gần 150 tỷ đồng, MobiFone là hơn 170 tỷ đồng, công ty VTC online (thẻ Gocoin) hơn 14 tỷ đồng, Công ty Gate (thẻ Gate) hơn 230 triệu đồng, công ty VNG (thẻ Zing) hơn 160 triệu đồng; công ty VTC intercom (thẻ Vcoin) hơn 10 triệu đồng và 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là hơn 960 triệu đồng…

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tất cả các mã thẻ điện thoại khi người chơi nạp vào cổng game bất kỳ đều được chuyển thẳng về các nhà mạng, sau đó, hằng tháng nhà mạng sẽ “cắt” lại phần trăm cho cổng đăng ký thanh toán của các công ty phát triển game, tuỳ theo thoả thuận hợp đồng. Nhưng, được biết có nhà mạng “cắt phế” lên tới 60% tổng giá trị thẻ nạp và tin nhắn về đầu số dịch vụ; công ty phát triển, thanh toán cho game chỉ được nhận 40%.

Đáng chú ý, khi đăng nhập tài khoản vào cổng game Rikvip, hệ thống game này sẽ hướng dẫn người chơi cách nạp thẻ, nhắn tin theo cú pháp với số tiền tương ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống game cũng đưa ra cảnh báo “do nhà mạng thu 55% trị giá tin nhắn nên giá trị VIP nhận được sẽ là 45% giá trị tin nhắn”.

Như vậy có thể hiểu, game Rikvip thu 2.700 tỷ chỉ tương đương phân nửa số tiền mà người chơi đã “đốt” vào các loại game cờ bạc trên hệ thống này, còn lại vào túi các nhà mạng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một nhà mạng khẳng định, họ không ký hợp đồng trực tiếp với game bài Rikvip hay bất kỳ game bài nào. Nhưng họ có hợp tác một số nội dung với công ty Giải trí số - đơn vị trung gian thanh toán cho Rikvip và đã có biện pháp xử lý triệt để ngay sau khi nhận được văn bản của Công an Phú Thọ. Quá trình hợp tác, họ cũng không biết đơn vị này thanh toán cho game cờ bạc.

VKS đề nghị tuy thu 3 nhà mạng hơn 100 tỷ đồng

Cơ quan công tố xác định đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2011.

Do vậy, cơ quan này đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền phải truy thu của ba nhà mạng theo cáo trạng là hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, đại diện VKS chỉ đề nghị truy thu hơn 100 tỷ đồng.

Tác giả: H.Y (t/h)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP