Tin trong tỉnh

Xả lũ gây thiệt hại 130 tỷ, thủy điện lặng thinh!

Trước tình hình trên, 2 địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Tương Dương và Con Cuông đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tiến hành khảo sát, cắm lại mốc ngập ở phía hạ lưu, đồng thời xác định rõ trách nhiệm...

Quá trình vận hành xả lũ của các thủy điện vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề xuống khu vực hạ du của địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là 2 huyện Tương Dương và Con Cuông. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 130 tỷ đồng.

Quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng tại khu vực hạ du

Đoàn kiểm tra liên ngành xác định các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ kịp thời để người dân sớm ổn định sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các thủy điện dửng dưng trước yêu cầu trên...

Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 12/32 nhà máy thủy điện đã chính thức đi vào hoạt động. Phía thượng nguồn sông Chu có thủy điện Hủa Na, thượng nguồn sông Hiếu có 4 nhà máy (Bản Cốc, Sao Va, Châu Thắng, Nậm Pông), 7 công trình còn lại “án ngữ” tại lưu vực sông Cả.

Theo số liệu tổng hợp, tổng công suất của các nhà máy trên đạt 697,5 MW, sản lượng điện trung bình năm dao động từ 2,28 - 3,0 tỉ kWh. Các công trình đi vào hoạt động đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho gần 600 lao động địa phương, đóng góp ngân sách trung bình hơn 200 tỷ đồng/năm.

Lợi ích của các nhà máy thủy điện là không thể phủ nhận, nhưng hậu quả cũng nặng nề chẳng kém, điều này càng được thể hiện rõ nét sau trận xả lũ kinh hoàng vào cuối tháng 8/2018.

Quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng tại khu vực hạ du

Kết quả kiểm tra cho thấy quá trình vận hành điều tiết lũ của hệ thống liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đang bộc lộ hàng loạt vấn đề, cụ thể: hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ về mực nước trước lũ; chưa có bản đồ ngập vùng hạ du theo quy định; quá trình phối hợp xả lũ giữa các nhà máy còn mang tính riêng lẻ, thiếu đồng nhất; công tác dự báo lưu lượng về hồ Bản Vẽ thiếu chính xác do 80% diện tích lưu vực sông Cả thuộc địa bàn nước Lào; hệ thống quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin của đơn vị quản lý vận hành hồ Khe Bố còn nhiều thiếu sót.

Mặt khác, dù quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành từ năm 2015 nhưng thực chất đến nay mới chính thức vận hành xả lũ, bỏ bẵng suốt thời gian dài nên khi thực hiện lập tức bộc lộ những mặt hạn chế nhất định (lấy mực nước ở trạm thủy văn Nam Đàn làm cơ sở vận hành là quá xa so với khu vực hồ chứa của thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê; quy định mực nước trước lũ 192,5m, dung tích phòng lũ 300 triệu m3 hiện tại là quá nhỏ).

Ảnh: V.K

2 tác nhân chính bị “chỉ mặt đặt tên” trong đợt xả lũ vừa rồi là thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố, ở mức độ thấp hơn có Nậm Nơn và Nậm Mô. Lưu lượng nước từ thượng nguồn dồn xuống quá lớn gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ khắp nơi, làm ngập, sập, cuốn trôi nhiều nhà dân, hàng loạt công trình, các tuyến đường giao thông… tại huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn bị hư hỏng nặng.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An khẳng định: “Tổng thiệt hại do quá trình xả lũ vào khoảng 130 tỷ đồng”.

Trước tình hình trên, 2 địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Tương Dương và Con Cuông đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tiến hành khảo sát, cắm lại mốc ngập ở phía hạ lưu, đồng thời xác định rõ trách nhiệm để thống nhất phương án bồi thường cho các hộ dân bị ngập trên mức nước đã quy định. Ngoài ra phải có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp do quá trình xả lũ tác động, bởi thực chất lâu nay bà con chỉ tiến hành sản xuất được 1 vụ trên tối đa 3 vụ.

Hiện mới chỉ có thủy điện Khe Bố phối hợp kiểm đếm

Bên cạnh đó, 2 huyện cũng kiến nghị đến UBND tỉnh Nghệ An ban hành cơ chế để doanh nghiệp (nhà máy thủy điện) trích một phần lợi tức (ngoài phần nộp thuế) để khắc phục những hệ lụy gây ra.

Thiệt hại nặng nề do quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện đến nay đã rõ mồn một. Ý thức được những hệ lụy có thể phát sinh, chính quyền các cấp cùng ban, ngành liên quan thực sự sốt sắng vào cuộc, tuy nhiên thái độ từ phía chủ đầu tư lại hết sức… nửa vời, một mặt họ ghi nhận mức độ ảnh hưởng, mặt khác lại nhùng nhằng, không thống nhất phương án đền bù(?!).

Thiên tai đi qua cả tháng trời, hậu quả thì vẫn hiện hữu, lúc này nhiều gia đình đang chới với sống trong tình cảnh lay lắt, thiếu thốn trăm bề.

Thủy điện Bản Vẽ, “tác nhân chính” của đợt xả lũ dửng dưng đến khó hiểu

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP