Tin trong tỉnh

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 tạo bứt phá để hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung vừa ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND vào ngày 18/7 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự báo tình hình trong nước, quốc tế; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2024 phù hợp, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật.

Năm 2024 là năm cần phải tạo được những bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải có tính phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển KTXH.

Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch. Đồng thời, bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; bảo đảm tính khả thi dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phù hợp với thông lệ.

Việc định hướng và đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu phải bảo đảm thống nhất với các mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn; bám sát các nội dung theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Riêng đối với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, phần dự toán thu ngân sách cần phải căn cứ khả năng thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; phân tích, dự báo tình hình kinh tế và nguồn thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đối với từng lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế trên địa bàn, những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo chế độ. Bên cạnh đó, tính toán các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, quản lý thu, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử; kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Toàn bộ số thu từ sắp xếp lại, xử lý tài sản công, số thu từ thuế quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật...

Đối với dự toán chi ngân sách địa phương phải đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập.

Căn cứ vào nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trên cơ sở mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2014; thực tế thực hiện các nhiệm vụ thu – chi ngân sách của địa phương năm 2023 để xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024, chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Đối với việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024: Cần thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị định của Chính phủ. Kế hoạch đầu tư công phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao.

Cùng với đó, tập trung bố trí vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp theo tiến độ. Đối với các dự án mới trong kế hoạch trung hạn nhưng chưa khởi công, thực hiện rà soát, cân đối nguồn lực để khởi công mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch trung hạn đúng tiến độ. Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, đảm bảo tiến độ phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thu hút tối đa các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác.

Tác giả: PQ (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP