Chiều 11-9, đại diện Báo Người Lao Động đã đến Bệnh viện Quân y 211 (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) thăm hỏi và trao tặng cô Trần Thị Bá Tiền (SN 1984, giáo viên âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) 10 triệu đồng.
Tai nạn bất ngờ, đau đớn
Cô Tiền nằm trên chiếc giường đặt ở một góc phòng của bệnh viện, cánh tay trái bị cắt bỏ được băng kín nhưng vết thương vẫn đau buốt tận xương tủy.
Cô Tiền nghẹn ngào kể từ nhà đến trường dài 130 km. Cứ mỗi sáng thứ hai, cô dậy sớm đi xe máy đến trường dạy học. Sáng 9-9, cô rời khỏi nhà lúc 4 giờ sáng và khi còn cách trường khoảng 10 km, thấy một xe tải chở mì đi ngược chiều, cô đã chủ động đi chậm, né vào bên đường. Tuy nhiên, do đường nhỏ, xe tải chiếm phần lớn đường, khi xe cô Tiền né vào vệ đường thì trúng phải vùng đất nhão nên xe bị ngã. Theo phản xạ, cô Tiền đưa tay chống thì bị bánh xe tải chèn qua.
Đại diện Báo Người Lao Động trao quà hỗ trợ giúp đỡ cô Trần Thị Bá Tiền Ảnh: THANH VĂN |
"Trước khi ngất đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy cánh tay bị dập nát và không còn cảm giác. Tôi mường tượng ngay là mình đã mất bàn tay rồi" - cô Tiền rơm rớm nước mắt kể lại.
Bà Thái Thị Thanh, mẹ chồng cô Tiền, đã không cầm được nước mắt khi lên bệnh viện thấy cánh tay của con dâu đã bị cắt. "Con tôi còn trẻ quá, sau này sẽ ra sao?" - bà Thanh nói.
Từ hôm vợ gặp nạn, anh Nguyễn Văn Công (SN 1983, chồng cô Tiền, trú thôn 3, xã Đắk H’lơ, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) phải túc trực tại bệnh viện để chăm vợ. Anh kể sáng 9-9, khi anh đang dựng rạp cưới thuê thì nghe tin vợ gặp nạn. Đến bệnh viện, chứng kiến thương tích của vợ, anh khuỵu xuống, hoảng loạn. Mọi việc giấy tờ, thủ tục phải nhờ các thầy cô đồng nghiệp của vợ làm giúp.
Gia cảnh éo le
Vợ chồng cô Tiền cưới nhau vào năm 2005. Sau khi sinh bé gái đầu lòng, cô Tiền tiếp tục đi học, một mình anh Công ở nhà chăm con, kiếm tiền nuôi vợ. Cuộc sống ổn định hơn khi đến năm 2014, cô Tiền được nhận vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học xã Hà Đông.
"Khi nhận tin được đi dạy, vợ chồng tôi cũng rất phân vân vì trường quá xa nhà, đường đi rất khó khăn, cách trở. Đầu tuần đi thì cuối tuần mới được về nhà. Mọi việc trong nhà, mẹ già hơn 80 tuổi và 2 con nhỏ, mình tôi cáng đáng. Tội 2 đứa nhỏ, phải xa mẹ thường xuyên, nhất là bé thứ hai mới được 10 tháng tuổi, xa mẹ nên thường hay quấy khóc" - anh Công kể.
Cũng theo anh Công, nhiều hôm các con nói nhớ mẹ quá, anh lấy xe máy chở 2 con lên trường. Vượt đường dài 130 km, các con ngồi sau nên vừa đi, vừa phải nói chuyện, hỏi han cho con khỏi buồn ngủ. "Mỗi tối, hai vợ chồng cùng các con nói chuyện điện thoại, nhìn nhau qua màn hình cũng nguôi ngoai được phần nào. Các con thì cứ chiều thứ sáu, biết mẹ về nên ngóng. Chỉ cần nghe tiếng xe máy quen là reo lên rồi chạy ra đón ngay. Giờ tôi ở trên bệnh viện, hai đứa nhỏ cứ khóc đòi đi theo. Mọi người còn kể tôi vừa đi thì hai đứa chạy bộ theo sau, may mà họ ôm lại được" - anh Công nghẹn ngào kể.
Do hai bên nội ngoại đều khó khăn, anh Công ở nhà trồng 8 sào mía và chăn 2 con bò, rảnh rỗi ai thuê làm gì thì làm đó, cuộc sống cả gia đình đều trông chờ vào khoản tiền lương 8 triệu đồng/tháng của cô Tiền. "Chúng tôi chỉ mong sao sau tai nạn, cô ấy vẫn được đi dạy và được chuyển về gần nhà, vì với một tay còn lại, cô ấy không thể chạy xe máy để đi làm xa nữa" - anh Công mong ước.
Là người được quý mến Cô Lê Thị Hương Lan, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học xã Hà Đông, cho biết tất cả giáo viên đều ở tập thể tại trường. Cô Tiền được đánh giá là người thẳng tính, rất mạnh mẽ, hòa đồng và được các đồng nghiệp quý mến. Theo ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đắk H’lơ, huyện Kbang, gia đình cô Tiền có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, do cô Tiền là giáo viên, có thu nhập ổn định nên không được xếp vào hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan, tổ chức của xã cũng đã ủng hộ, có biện pháp giúp đỡ vì gia đình cô rất neo người. |
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động